Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

TP.HCM – Khi nào hết ngập?: Kỳ 2: Đi tìm nguyên nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều tuyến đường TP.HCM bị ngập sau cơn mưa kéo dài. Ảnh: Đ.H
Sau mỗi cơn mưa đường sá TP bị ngập là chuyện ai cũng biết từ mấy chục năm nay. Thế nhưng gần đây nhiều đoạn đường khu nhà dân tại TP.HCM luôn trong tình trạng “đầm nước” dù trời không hề có mưa. Rõ ràng ngập nước tại các quận huyện trong TP đang là hiện tượng bất thường cần được cảnh báo và đòi hỏi nhanh chóng có lời giải tối ưu cho “bài toán nhiều mệnh đề” này.
Đường thoát nước bị chặn
Về mặt địa lý, TP.HCM có độ dốc từ bắc xuống nam vì thế khu vực phía nam (điển hình là quận 7 và Nhà Bè) nghiễm nhiên trở thành túi chứa nước cho toàn thành khi mưa to, triều cường và nước từ các sông Đồng Nai, Sài Gòn đổ về với lưu lượng lớn. Theo cơ chế đó,  hướng thoát nước là bắc – tây bắc – đông bắc xuống nam – đông nam – tây nam chứ không thể là “ngã rẽ” nào  khác.
Tuy nhiên, gần đây có một thực tế cho thấy là sự phát triển quá mạnh và nhanh ở vùng đất phía nam mà bắt đầu là khu dân cư Phú Mỹ Hưng. Được coi là “vùng đất mới”, các nhà đầu tư khác đổ xô về khu đầm lầy này xây dựng vô tội vạ làm cho quy hoạch ban đầu của SOM phá sản. Đây chính là nguyên nhân khiến cho các “túi” chứa quan trọng này đã thu hẹp đáng kể. Thay vì nước mưa và triều cường chảy về và được chứa ở “túi” nước phía nam Sài Gòn theo nguyên lý nước chảy từ cao xuống thấp thì bây giờ lại bị chảy ngược lại và đẩy dồn vào nội đô. Hậu quả khiến cho TP vốn đã ngập cục bộ ngày càng ngập sâu trên diện rộng. Hệ lụy này đã dự báo tình trạng ngập nước rất khó khắc phục và càng nan giải hơn, bởi theo kịch bản biến đổi khí hậu toàn cầu thì vào 2070 khi mà mực nước biển tăng 0,7 đến 1m thì khoảng 72% diện tích của TP.HCM bị ngập sâu dưới mực nước biển. Tuy nhiên có cơ sở để tin rằng thời gian để đạt đến mức 1m sẽ nhanh hơn, bằng chứng là từ 2003 đến nay nước triều ở TP.HCM đã tăng từ 1,30m lên 1,70m (2014).  
Đâu là cách khắc phục cần thiết?

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa
Để sửa chữa sai lầm này, theo tôi cần gấp rút thực hiện nguyên tắc “bù” mới cứu vãn được tình thế bằng cách gấp rút xây dựng các hồ điều tiết lớn và hệ thống kênh rạch mới. Song song đó phải khai thông trở lại dòng chảy từ nội ô ra sông Sài Gòn. Và sau nữa, vấn đề hết sức quan trọng là lãnh đạo TP phải cương quyết ngưng phát triển ngay các công trình lớn, các khu dân cư, các trục đường giao thông và các hoạt động bê tông hóa bề mặt ngấm nước ở khu vực phía nam, trong đó có cả vùng Cần Giờ nhằm tạo cơ hội cho “nước chảy vào chỗ trũng”. Ngay trong khu vực nội ô (12 quận nội thành) cũng cần bóc bớt lớp bê tông phủ không cần thiết trả lại bề mặt thấm cho nước, giảm hiện tượng đảo nhiệt (nước bốc hơi từ lòng chảo bê tông trong ngày nắng), việc làm này còn có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng nữa là trả lại nước cho các túi, tầng dưới lòng đất bị hút cạn kiệt bởi hàng ngàn giếng khoan lấy nước làm cho bề mặt TP bị lún ở nhiều khu vực.
Chúng ta đều biết, trong một đô thị lớn, hệ thống đường phố không chỉ là mạch máu giao thông mà còn có vai trò quan trọng trong việc phân phối luồng và dòng chảy tiêu thoát nước bề mặt. Đáng buồn thay, với các dãy nhà hình ống san sát cặp hai bên trục lộ chính vô tội vạ, “dòng chảy đường phố” coi như đã bị hai con đê chắn ở hai bên, nên chỉ còn một lối thoát duy nhất là chảy về chỗ trũng. Thực tế còn cho thấy đường thoát ra chỗ trũng cũng bị chặn nên ngập là “điều tất yếu đã được báo trước”. Những tuyến đường nếu có nhiều hẻm nhỏ rẽ xương cá, thì sẽ trở thành “vị cứu tinh” chia nước khơi thông dòng chảy cho con đường chính. Đáng tiếc là hầu hết phía cuối đường hẻm tại TP hiện nay thường bị chặn bởi một căn/dãy nhà, nên nước chảy đến đây vẫn không thể thoát đi được do bị ách tắc.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa
(Trưởng khoa Đô thị học Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM, Phó chủ tịch Hội đồng Qui hoạch và Kiến trúc TP.HCM)
 
Thay vì chống triệt để, hãy tìm cách giảm bớt mức ngập
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (ảnh) cho biết, thay vì chống triệt để (rất khó trong điều kiện hiện nay) thì hãy tìm cách giảm bớt mức ngập để hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Ngoài ra, cần nỗ lực “cô lập” nước ra một khu vực tập trung rồi tìm cách khống chế. Khi đó, công tác này sẽ dễ dàng hơn so với việc chống ngập khi nước triều cường nằm xen lẫn trong các khu dân cư.
Hiện, nhiều đơn vị đang chống ngập theo kiểu nâng đường, nâng nhà, nhưng theo quy luật “nước đổ về chỗ trũng” đã chứng minh sự bất hợp lý của cách làm này. Khi nâng đường, chỗ này không ngập thì nước tràn sang chỗ khác, vậy là xuất hiện một điểm, thậm chí là nhiều điểm ngập mới.
M.H
 

 

Bình luận (0)