Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

TP.HCM – Khi nào hết ngập?: Kỳ cuối: Giải pháp “nhị nguyên”

Tạp Chí Giáo Dục

Sau cơn mưa, đường D2 quận Bình Thạnh chìm ngập trong biển nước. Ảnh: T.N
Một trong những giải pháp tối ưu chống ngập tại TP.HCM mà tôi tâm đắc đó là giải pháp “nhị nguyên”.
1. Hệ thống cống trên đường với mục đích giúp đường phố làm tốt vai trò thoát nước trên cạn. Nhưng muốn vậy, về nguyên tắc đường phải có cao độ chênh đầu và cuối ít nhất từ 0,5-0,7m và tất nhiên phải cao hơn mực nước dưới sông rạch. Tuy nhiên hiện tại hệ thống cống hộp nằm bên dưới nền đường của thành phố vừa được xây dựng cách nay không lâu đã bị lạc hậu, bởi tiết diện của ống thoát chỉ phục vụ cho lượng nước mưa tối đa là 100mm, thậm chí nhiều chỗ chỉ là 40mm, còn trên 100mm thì chào thua, hơn thế nữa hầu hết cửa xả vẫn nằm ở cao trình cũ có từ thời Pháp và Việt Nam Cộng hòa, có nghĩa là miệng cửa xả nằm ngang bằng, hoặc thấp hơn mực nước kênh và sông, khi nước triều dâng cao thì nước không những không thoát ra được mà lại còn bị đẩy ngược trở lại. Chênh lệch về độ cao không đáng bao nhiêu nên khả năng thoát nước càng không có.
Không phải bi quan nhưng phải thấy rằng, việc sửa chữa, khắc phục những vấn đề trên ở các tuyến đường nội thành hiện nay gần như không còn cơ hội. Vì vậy, chỉ còn cách điều chỉnh quy hoạch, hạn chế dần để không còn nhà hình ống xây dựng hai bên đường tại các khu đô thị mới thuộc ngoại thành để giảm ngập cục bộ và né nước dồn thêm vô nội thành. Có như vậy mới tìm cách “nghiêng đồng đổ nước ra sông”. Ở những khu vực này, trong trường hợp không tránh được nhà dãy phố, dứt khoát phải tạo ra các “dải phân cách mềm” – dải cây xanh kèm theo thảm cỏ thấm nước, mương thấm nước lưu – giữa đường và nhà. Ngoài ra, dứt khoát cứ giữa mỗi cụm khoảng 5, 6 căn nhà phố phải chừa một khoảng trống làm vườn hoa, công viên mini. Khoảng trống này không chỉ tạo không gian vui chơi, mà còn là cửa tiêu thoát nước bề mặt để giải quyết tình trạng ngập cục bộ.
Thực tế cho thấy, càng xây dựng nhiều công trình có khối tích và trọng lượng lớn ở những vùng trũng, đất nền yếu thì khả năng ngập càng sâu, càng rộng vì chính các công trình này vừa làm đất lún nhanh, vừa cản trở dòng chảy và độ thấm nước. Nơi có nền đất yếu và trũng, giải pháp bơm cát tôn cao nền, xây dựng móng nổi cho các công trình lớn là điều không nên khuyến khích.
Riêng khu vực dân cư cũ, thay vì đào đường đặt cống thoát nước không hiệu quả, chỉ cần khai thông dòng chảy tràn trên bề mặt bằng cách mở rộng hẻm, bỏ bớt một phần hay vài căn nhà chặn ngang hẻm để khai thông dòng chảy từ đường chính ra tới kênh, rạch. Cuối các đường hẻm nằm hai bên trục đường chính, cần duy trì, hoặc tạo ra những hồ gom nước tạm để chứa nước từ trục đường lớn dồn về. Cần “khai tử” những căn nhà bít lối thoát nước ở cuối hẻm. Trạm bơm nên đặt tại những hồ chứa tạm này để kịp thời bơm nước thoát ra sông, rạch.
2. Để khắc phục tình trạng đường bị ngập nước do triều cường hay mưa, TP.HCM sử dụng biện pháp chủ yếu hiện nay là nâng cao mặt đường. Sau khi nâng đường, tình trạng ngập úng tại chỗ được cải thiện, song do việc nâng cao mặt đường tùy tiện, đã biến đường phố thành đê bao cắt ngang nhiều dòng chảy, khiến dòng chảy bị đổi chiều, đường Nguyễn Văn Linh là một ví dụ. Thay vì thoát xuống cuối nguồn theo chiều từ cao xuống thấp, từ mặt đường xuống các kênh, rạch, nước bỗng bị dẫn ngược, hoặc rẽ ngang “không lối thoát”. Nâng cao đường theo kiểu cháy đâu chữa đó mà không tính toán đến dòng chảy và hướng thoát nước của khu vực, của thành phố đã khiến tình trạng ngập ngày càng lan rộng và cuộc đua nâng cao từ nền đường đến nền hẻm rồi nền nhà không có hồi kết. Rõ ràng “lợi bất cập hại”.
Một giải pháp trước mắt hoàn toàn có thể làm được và không tốn kém là làm hồ chứa nước tạm và hồ điều tiết có qui mô lớn nhỏ khác nhau ở tất cả những nơi trũng, thậm chí ngay dưới các công trình công cộng rồi tìm cách lùa nước về theo các kênh rạch, hoặc các máy bơm chuyền nước theo từng cung đoạn. Tuy nhiên về lâu dài, muốn cứu thành phố này thì chỉ có một cách duy nhất đúng là phải khôi phục lại hoàn toàn “rổ chứa nước” ở phía nam của thành phố, như ông Coffyn, Đại tá công binh, cha đẻ ra đồ án qui hoạch đầu tiên của thành phố Sài Gòn công bố vào đúng ngày 30-4-1862 nói rằng “chớ có dại dột động đến nơi ấy”.   
3. Tôi đồng tình với giải pháp “nhị nguyên” – vừa chống đỡ vừa thích nghi với ngập – được coi là tối ưu nhất với một đô thị như TP.HCM. Sự thích nghi này có thể xem như định mệnh lịch sử vì không dễ di chuyển thành phố với nhiều triệu dân sang nơi khác. Mặt khác, thay đổi nhận thức trong qui hoạch từ truyền thống sang thích nghi cũng rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa
(Trưởng khoa Đô thị học – Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM, Phó chủ tịch Hội đồng Qui hoạch và Kiến trúc TP.HCM)
Khó khăn về nguồn vốn
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước – Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM cho biết, về giải pháp chống ngập do triều cường, cần xây dựng tuyến đê bao khép kín chạy dọc sông Sài Gòn dài 149km. Hiện nay, thành phố đang thi công 6 dự án đê bao ven sông Sài Gòn (địa bàn quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi), khối lượng thực hiện 31,4km. Ông Long còn cho rằng công tác chống ngập hiện gặp nhiều thách thức, khó khăn về nguồn vốn. Tổng vốn bố trí từ năm 2011-2014 cho trung tâm chống ngập chỉ là 2.091 tỷ đồng, nghĩa là khoảng hơn 500 tỷ đồng một năm, chỉ đáp ứng được 3% nhu cầu.
T.G
 
 

Bình luận (0)