Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP HCM Khởi công xây cầu Thủ Thiêm 2

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 3/2, TP HCM tổ chức lễ động thổ xây dựng Cầu Thủ Thiêm 2. Công trình do Công ty cổ  phần đầu tư Đại Quang Minh làm chủ đầu tư theo hình thức BT – xây dựng chuyển giao.
Được đầu tư hơn 3.082 tỷ đồng, cầu Thủ Thiêm 2 dài gần 1,5 km với 6 làn xe được kỳ vọng là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn.
  Cầu Thủ Thiêm 2 với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật sẽ là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ban ngày và về đêm.
Theo thiết kế, dự án có điểm đầu nằm trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1), điểm cuối kết nối với đại lộ Vòng cung – Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Cầu có 6 làn xe với tổng chiều dài 1.465 m (trong đó phần cầu dài 885,7 m), được thiết kế theo kiểu dây văng với trụ tháp chính cao 113 m và có hình dáng kiến trúc tương tự như cầu Rồng (TP Đà Nẵng). Cùng với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ngày lẫn đêm.
Dự án có tổng mức đầu tư 4.260 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và tư vấn là 2.283 tỷ đồng; di dời hạ tầng kỹ thuật và đền bù giải tỏa là 308,5 tỷ đồng; dự phòng khối lượng và dự phòng thay đổi mức lương 491 tỷ đồng và chi phí dự phòng trượt giá, lãi vay là 1.180 tỷ đồng.
Để thanh toán chi phí đầu tư xây dựng dự án cầu Thủ Thiêm 2, UBND thành phố được Thủ tướng chấp thuận giao cho chủ đầu tư 13,6 ha đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thực hiện dự án khác đồng thời với dự án BT. Với cơ chế này, tổng vốn đầu tư của dự án chỉ còn hơn 3.082 tỷ đồng, giảm được phần chi phí dự phòng trượt giá và chi phí lãi vay. Ngoài ra, nhà đầu tư còn phải nộp ngân sách thành phố khoảng 764 tỷ đồng, trong đó đơn vị này đã ứng nộp trước 800 tỷ trong tháng 4/2014. Số tiền còn lại sẽ được quyết toán khi hoàn thành dự án.

  Nhấn nút phát lệnh xây dựng cầu Thủ Thiêm 2
Đại diện nhà đầu tư cho biết đã thỏa thuận và thống nhất kế hoạch thi công đảm bảo không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của Tổng Công ty Ba Son. Theo đó, cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng vào dịp lễ 30/4 năm 2018 (38 tháng). Trong trường hợp Tổng Công ty Ba Son có thể bàn giao mặt bằng sớm hơn thì thời gian hoàn thành có thể nhanh hơn.
Phát biểu tại Lễ động thổ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đánh giá cao TP HCM đã luôn chủ động, sáng tạo trong việc tìm vốn để phát triển hạ tầng, giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề nghị chủ đầu tư xem lại tiến độ hoàn thành dự án vì đến 30-4 năm 2018 là quá chậm, đồng thời xem lại tĩnh không thông thuyền cho phù hợp với quy hoạch trên sông Sài Gòn, nếu làm quá cao sẽ gây lãng phí vốn đầu tư.
Yến Thanh

Bình luận (0)