- 1 TP.HCM không còn huyện nghèo, xã khó khăn
Chiều 27-2, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo báo cáo, UBND TP.HCM đã triển khai chương trình giảm nghèo phù hợp với đặc thù, tình hình phát triển kinh tế – xã hội và thực trạng hộ nghèo của TP. Hiện TP.HCM không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Trong giai đoạn 2021-2025, nhiều chính sách hỗ trợ đã được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, TP đã miễn, giảm học phí cho 73.676 lượt học sinh với tổng kinh phí 38,132 tỉ đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho 123 lượt sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền 867,9 triệu đồng; cấp học bổng cho 56.438 học sinh với hơn 102,749 tỉ đồng; hỗ trợ tiền ăn trưa cho 4.104 lượt trẻ em mẫu giáo thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí 5,043 tỉ đồng.
TP.HCM đã cấp 411.637 thẻ bảo hiểm y tế cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với tổng kinh phí 326,237 tỉ đồng. TP cũng đặt mục tiêu giảm 0,35% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP mỗi năm trong giai đoạn 2022-2025.

Bà Trần Thị Diệu Thúy – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, việc đặt ra định mức cụ thể để giảm tỉ lệ hộ nghèo là rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
“TP.HCM luôn tiên phong trong công tác giảm nghèo với chuẩn nghèo cao hơn từ 1,5 – 2 lần so với chuẩn quốc gia do chi phí sinh hoạt tại TP lớn”, bà Thúy nói.
Giai đoạn 2009-2013, chuẩn nghèo của TP.HCM đã tiếp cận với chuẩn nghèo quốc tế. Công tác giảm nghèo luôn xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo của chính quyền các cấp. TP thường xuyên khảo sát, thống kê để đảm bảo không bỏ sót các trường hợp hộ nghèo, cận nghèo. Các tổ hỗ trợ giảm nghèo tại cơ sở đóng vai trò quan trọng, giúp TP có cái nhìn sát thực về tình hình thực tế.
Nhờ những nỗ lực không ngừng, TP.HCM đã hoàn thành mục tiêu về chuẩn nghèo trước hai năm so với nghị quyết đề ra và tiếp tục ban hành chuẩn nghèo mới.
Hồ Trinh
Bình luận (0)