Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận, thời gian qua có nhiều nhà đầu tư chọn TP.HCM để đầu tư phát triển lâu dài nhưng cũng có một số nhà đầu tư không có ý định tiếp tục đầu tư. Nếu năm 2019, trung bình vốn đầu tư mỗi dự án khoảng 2 triệu USD thì năm 2020 chỉ còn khoảng 500 ngàn USD. Thực tế này đặt ra câu hỏi trong việc xây dựng môi trường đầu tư có vấn đề chưa thuận lợi…
Các thiết bị công nghệ tiên tiến do doanh nghiệp TP.HCM sản xuất đang được giới thiệu tại một triển lãm. Ảnh: N.Trinh
Hồ sơ của doanh nghiệp bị đẩy qua đẩy lại
Bà Huỳnh Thị Phương – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS) – cho biết: Công ty VWS được TP.HCM đề nghị chuyển đổi công nghệ đốt rác; tận dụng nguồn tài nguyên này cho phát điện, phân bón, phù hợp với xu thế mới, công nghệ mới góp phần chung tay bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hồ sơ chuyển đổi đưa sang Sở Khoa học – Công nghệ TP thẩm định thì bị đẩy ra Bộ Khoa học – Công nghệ, sau đó lại bị đẩy qua Bộ Kế hoạch – Đầu tư và tiếp tục đẩy ngược lại Sở Khoa học – Công nghệ TP. Một thời gian khá dài, đến nay hồ sơ chưa xong…
Một doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đánh giá: Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của các khu chế xuất – khu công nghiệp vẫn đạt 7 tỷ USD; riêng Khu Công nghệ cao gần 20 tỷ USD… Nhưng để có môi trường đầu tư tốt đòi hỏi TP.HCM cần giải quyết cơ chế chính sách. Trong đó, nếu làm tốt “cơ chế một cửa” thì các nhà đầu tư không phải đi lòng vòng. Thủ tục giấy tờ được đơn giản sẽ thuận tiện hơn.
Chia sẻ của các DN cơ khí vừa và nhỏ, hiện cũng gặp nhiều rào cản bởi chính sách, nghị định, thông tư chồng chéo; ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí điện TP.HCM – cho rằng: Hiện nay xin giấy phép cho cơ khí khuôn mẫu rất khó khăn vì ngành này không được xếp rõ ràng vào công nghiệp nặng hay công nghiệp nhẹ. Cho dù ngành công thương cấp phép xây dựng thì cũng phải nhờ ngành xây dựng hỗ trợ làm hết mọi thứ. Ngay trong Khu Công nghệ cao, nhóm 8 DN ngành cơ khí điện có giấy phép đầu tư từ cuối năm 2017 nhưng đến giờ chỉ có 2 công ty vừa khởi công.
“Năng lực ngành cơ khí thể hiện sức mạnh nền cơ khí của Việt Nam nên rất cần sự hỗ trợ từ TP để tăng động lực hoạt động. Đây là nền tảng tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ cho các ngành nghề khác”, ông Tống nói.
Hơn 100 dự án được “gỡ nghẽn”
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút các nhà đầu tư, Tổ công tác về đầu tư TP.HCM đã ra đời. Tổ công tác do Chủ tịch UBND TP làm Tổ trưởng. Qua 3 năm hoạt động đã có 32 buổi làm việc với 110 dự án, lĩnh vực liên quan đến đầu tư được đưa vào chương trình làm việc của Tổ công tác. Theo đó, nhiều “điểm nghẽn” quan trọng đã được tháo gỡ; nhiều dự án lớn, trọng điểm của TP đã tìm được “lời giải” cho “bài toán” khó khăn, vướng mắc.
Đáng chú ý, nhiều giải pháp liên quan đến huy động và phát huy nguồn lực trong xã hội để thực hiện các dự án đầu tư đã được Tổ công tác đưa ra, như: Phát triển đô thị xung quanh nhà ga, tạo nguồn thu từ quỹ đất các tuyến metro; áp dụng phương thức BLT trong đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của TP (đối với các dự án đầu tư nhóm A); thực hiện xã hội hóa các khu đất có quy hoạch thể dục thể thao…
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, kết quả đạt được là đáng ghi nhận, song theo đánh giá của ông Phong, hoạt động của Tổ công tác vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế cần được khắc phục bằng các giải pháp cụ thể, căn cơ để hiệu quả hoạt động được nâng thêm một bước. Từ đó tạo điều kiện tốt hơn nữa cho cộng đồng DN, nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nói chung và hiệu quả kinh doanh cho DN nói riêng.
Doanh nghiệp trưng bày sản phẩm đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” tại chương trình kích cầu tiêu dùng. Ảnh: N.Trinh
Cũng theo Chủ tịch UBND TP.HCM, chính quyền TP luôn cầu thị, mong muốn giải quyết các khó khăn của DN, nhà đầu tư bằng hành động thực chất, cụ thể. Đồng thời mong muốn thời gian tới có thêm nhiều hơn nữa các dự án được tháo gỡ thông qua cơ chế hoạt động của Tổ công tác về đầu tư, góp phần xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, đem lại hiệu quả đầu tư cho các DN.
Về phía các DN, nhiều nhà đầu tư mong muốn Tổ công tác sẽ là kênh để DN được gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo TP. Qua đó trình bày khó khăn, tìm hướng giải quyết. Bởi việc gặp lãnh đạo TP để chia sẻ khó khăn, không phải lúc nào cũng dễ dàng…
Tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp lớn mạnh
Hiện TP.HCM có 440 ngàn DN đăng ký hoạt động, trong đó có 96,4% DN trong nước, 3,6% DN nước ngoài. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các DN vẫn thể hiện sức sống mãnh liệt, đóng góp vào tổng giá trị sản phẩm của TP rất lớn. Trong đó, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đóng góp 54,7%, khu vực kinh tế có vốn nước ngoài 19% và khu vực kinh tế Nhà nước 13,5%. Xét trong cơ cấu DN có gần 97,8% DN vừa và nhỏ. Tuy DN có số vốn trên 100 tỷ đồng chỉ chiếm 2,2% nhưng số vốn đăng ký chiếm hơn 70% tổng số vốn đăng ký của toàn bộ DN trên địa bàn TP. Điều này đặt ra yêu cầu phải hình thành DN đầu đàn theo mô hình “đàn sếu bay” đi đôi với hỗ trợ các DN vừa và nhỏ trong bối cảnh hội nhập.
Ông Phong cho biết: “Sắp tới TP.HCM sẽ có đề xuất cơ chế chính sách để tiếp tục xây dựng những tập đoàn kinh tế mạnh. Việc làm gần đây là TP đã tổ chức bình chọn những thương hiệu vàng và TP sẽ tiếp tục đề ra cơ chế chính sách, tạo mọi điều kiện để phát triển các DN này trở thành DN lớn, không chỉ hoạt động trong nước mà có thể mở rộng ra toàn khu vực”.
Cũng theo ông Phong, năm 2021 được TP xác định là năm “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, trên cơ sở những khó khăn mà DN đang gặp phải, TP ghi nhận và giao Sở Kế hoạch – Đầu tư chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan, tập trung hoàn thiện kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư và tham mưu đề xuất cho UBND TP ban hành trước ngày 31-3.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)