Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

TP.HCM khuyến khích trường tiểu học dạy học một số môn học bằng tiếng nước ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT TP.HCM khuyến khích các trường tiểu học thực hiện xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện trong dạy học ngoại ngữ để tăng cường thời lượng học; dạy học ngoại ngữ qua các chủ đề Toán và Khoa học; dạy học một số môn học bằng tiếng nước ngoài.

TP.HCM khuyến khích trường tiểu học dạy học các môn học khác bằng tiếng nước ngoài

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc đẩy mạnh triển khai dạy và học ngoại ngữ trong các trường tiểu học được Sở GD-ĐT TP.HCM đặt ra cho giáo dục tiểu học thành phố trong năm học 2024-2025.

Cụ thể, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, năm học 2024-2025, TP.HCM tiếp tục thực hiện Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019-2025.

Thực hiện Công văn số 3816/BGDĐT-GDTH và 3818/BGDĐT-GDTH ngày 31-7-2023 của Bộ GDĐT về triển khai thực hiện và hướng dẫn tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ 1 cấp tiểu học.

Trong đó, đối với lớp 1 và lớp 2, TP.HCM tiếp tục triển khai Chương trình môn tiếng Anh tự chọn, bảo đảm các yêu cầu được quy định trong Chương trình GDPT 2018.

Riêng đối với các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, gồm tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc đã được Bộ GD-ĐT ban hành chương trình, ông Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu nhà trường căn cứ vào điều kiện triển khai của cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh, khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động thực hiện dạy học tự chọn ở lớp 1 và lớp 2 và thực hiện lựa chọn tài liệu dạy học theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Khi triển khai dạy học tự chọn Ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2, ông Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu các trường tiểu học cần chú ý bảo đảm tính liên thông với môn ngoại ngữ thực hiện bắt buộc từ lớp 3. Thời lượng dạy học phù hợp với hình thức học làm quen ban đầu, không gây quá tải cho học sinh. Đặc biệt, thực hiện kiểm tra đánh giá, trong đó chú trọng đánh giá thường xuyên để hỗ trợ học tập, không dùng kết quả đánh giá để xét lên lớp. Việc học tự chọn Ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2 phải được thể hiện trong kế hoạch giáo dục của nhà trường theo quy định.

Về tài liệu giảng dạy, đối với môn tiếng Anh sử dụng SGK trong danh mục SGK được Bộ GD-ĐT phê duyệt; các môn còn lại các cơ sở giáo dục thực hiện lựa chọn tài liệu theo thẩm quyền quy định.

Với khối 3, 4, 5:

Đối với lớp 3, 4 và 5, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu các trường tiểu học tiếp tục thực hiện triển khai các giải pháp để tổ chức dạy học môn Ngoại ngữ 1 bắt buộc; lựa chọn trong các môn Ngoại ngữ 1 đã có đủ điều kiện triển khai (đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt danh mục SGK) phù hợp với khả năng tổ chức của các cơ sở giáo dục, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh; bảo đảm tính liên thông và theo các yêu cầu được quy định trong chương trình các môn ngoại ngữ và các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.

Triển khai sử dụng Hệ thống học liệu tiếng Anh trên máy tính và trực tuyến cấp tiểu học theo Kế hoạch số 160/KH-BGDĐT bảo đảm chất lượng, thiết thực, phù hợp với điều kiện, khả năng đáp ứng của địa phương.

Khuyến khích xã hội hóa dạy tiếng Anh, dạy các môn học khác bằng tiếng nước ngoài

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh, tùy theo điều kiện cụ thể của nhà trường và nhu cầu của học sinh, cha mẹ học sinh, các cơ sở giáo dục sau khi đã thực hiện các tiết dạy theo chương trình, có thể tổ chức hoạt động dạy ngoại ngữ tăng cường, bổ trợ, dạy ngoại ngữ với giáo viên người nước ngoài, dạy ngoại ngữ qua phần mềm, dạy ngoại ngữ qua Toán và Khoa học.

Các trường có điều kiện có thể đăng ký thực hiện đề án “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” tại các trường công lập trên địa bàn thành phố, giúp học sinh đạt được các chuẩn đầu ra.

Khuyến khích các cơ sở giáo dục thực hiện xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện trong dạy học ngoại ngữ để tăng cường thời lượng học; dạy học ngoại ngữ qua các chủ đề Toán và Khoa học; dạy học một số môn học bằng tiếng nước ngoài.

Tăng cường tổ chức cho giáo viên, học sinh học ngoại ngữ qua truyền hình, các phương tiện truyền thông, các nguồn học liệu phù hợp khác. Đẩy mạnh thực hành ngoại ngữ qua các hoạt động như đọc truyện, hoạt động trải nghiệm, tạo môi trường ngoại ngữ ngoài lớp học, các sân chơi, giao lưu cho học sinh theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.

TP.HCM là địa phương tiên phong trong cả nước đưa tiếng Anh vào giảng dạy cho học sinh từ khối lớp 1 theo hình thức tự chọn từ rất sớm. Đến nay gần 100% học sinh lớp 1 thành phố được học tiếng Anh.

Năm học 2023-2024, TP.HCM thực hiện tốt việc giảng dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 1, 2 với thời lượng từ 2-8 tiết/tuần theo hình thức tự chọn, tăng cường; Đối với lớp 3, 4, 5 thời lượng từ 4 đến 8 tiết/tuần. 100% học sinh lớp 3, 4 được học tiếng Anh bằng nhiều giải pháp theo đúng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.

Yến Hoa

Bình luận (0)