Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT thay đổi định mức giáo viên làm việc theo tuần

Tạp Chí Giáo Dục

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 sáng 13-8, ông Hồ Tấn Minh- Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT thay đổi về quy định chế độ giáo viên làm việc theo tuần để giúp các địa phương, đơn vị hỗ trợ lực lượng giáo viên qua lại với nhau, linh động hơn nữa trong việc thực hiện chương trình mới.


TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT thay đổi định mức giáo viên làm việc theo tuần

Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT nhiều nội dung liên quan đến chuyển đổi số hồ sơ ngành giáo dục; các vướng mắc về đánh giá học sinh; việc hỗ trợ học sinh lớp 9 trong năm học 2021-2022 để dễ dàng tiếp cận chương trình GDPT 2018 khi lên lớp 10..

Theo ông Hồ Tấn Minh, TP.HCM đã chuẩn bị đủ giáo viên dạy các môn tích hợp, tuy nhiên ở một số môn TP vẫn đang thiếu giáo viên, công tác đào tạo giáo viên chưa cung ứng đủ cho việc thực hiện chương trình mới. Khi thay đổi quy định về chế độ giáo viên làm việc theo tuần sẽ giải quyết phần nào bài toán thiếu giáo viên.

Cạnh đó, việc linh động thực hiện chương trình trong kế hoạch giáo dục nhà trường theo tuần để đáp ứng được cơ sở vật chất, điều kiện lớp học, nguồn lực giáo viên có thể bố trí thực hiện nội dung dạy trong học kỳ hoặc trong năm học song định biên số tiết giáo viên làm việc theo tuần gây khó khăn cho việc linh động thực hiện chương trình.

Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cũng bày tỏ băn khoăn đến Bộ GD-ĐT nội dung  liên quan đến kiểm tra, đánh giá. Ông Minh khẳng định, thông tư mới đã đi đúng vào đánh giá năng lực học sinh, tuy nhiên việc tính điểm trung bình cả năm của môn học theo công thức: (điểm trung bình môn học kỳ môn HKI + (điểm trung bình HKI x 2) : 3), sẽ gây nhiều khó khăn khi thực hiện do các cơ sở linh động thực hiện chương trình. Với công thức tính này, việc quá quan trọng kết quả HKII có thể gây ra tâm lý chủ quan của cả giáo viên, học sinh trong thực hiện chương trình giữa 2 học kỳ.

“Nếu nói về sự tiến bộ của học sinh, trong thông tư đã quy định rằng khi kiểm tra đánh giá đều phải có ma trận, bản đặc tả, có cấu trúc, thứ tự. Như vậy, việc tiến bộ của học sinh được thể hiện qua điểm số giữa các bài kiểm tra học kỳ. TP.HCM nhiều năm nay cũng gặp trở ngại liên quan đến đánh giá học sinh, tức là việc kiểm tra HKI học sinh học rất tốt, sang HKII do yếu tố khách quan về sức khoẻ nên điểm HKII lại không đáp ứng được. Nếu áp dụng theo công thức trên thì rõ ràng sẽ khó đánh giá được đúng năng lực học sinh”, ông Minh phân tích.

TP.HCM kiến nghị thêm Bộ GD-ĐT về tính pháp lý trong công tác chuyển đổi số hồ sơ của ngành giáo dục. Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, mẫu học bạ hiện nay vẫn còn chữ ký của giáo viên bộ môn, nếu chuyển đổi số toàn bộ nội dung này thì cần có tính pháp lý liên quan đến chữ ký điện tử cá nhân giáo viên.

Ngoài ra, thông tư liên tịch 27 về lưu trữ hồ sơ, vẫn còn quy định lưu trữ theo hồ sơ giấy. Do đó, khi chuyển đổi số về hồ sơ, sổ sách thì cần đi kèm các thông tư liên quan để hỗ trợ các cơ sở thực hiện. Bên cạnh đó, sổ điểm điện tử nhưng cuối năm vẫn phải in ra để lưu trữ theo quy định, là vấn đề rất khó cần có văn bản thống nhất.

Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị Bộ cần có văn bản hỗ trợ các địa phương thực hiện nội dung Ngoại ngữ 2, tiếng dân tộc trong chương trình GDPT 2018. Đồng thời, kiến nghị Bộ GD-ĐT có văn bản để rà soát, hỗ trợ, điều chỉnh giúp học sinh lớp 9 có thể dễ dàng tiếp cận chương trình GDPT 2018 khi lên lớp 10.

Trước các kiến nghị của TP.HCM, TS. Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết: Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ 30:70 được áp dựng trong đánh giá học sinh ở các môn học. Trong đó 30% là HKI, 70% là cuối năm. Đánh giá một môn học là đánh giá 1/3 kiến thức ở HKI, 2/3 ở HKII.

TS. Hồng khẳng định năng lực không phải là mục tiêu mà là “một dải”, giống như dải phù sa, cần phải bồi đắp hàng năm thì mới tăng lên. Do vậy, để đánh giá năng lực học sinh thì học sinh phải có kiến thức HKI mới có thể làm được “dải kiến thức” trong HKII.

Đối với việc đánh giá về sự tiến bộ của người học, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, nếu học sinh chưa đạt kết quả như mong muốn ở HKI thì còn HKII để phấn đấu. Ứng với mỗi môn học, phân định HKI, HKII như thế nào thì căn cứ vào kế hoạch dạy học để học sinh phấn đấu.

“Công thức đánh giá học sinh không chỉ theo thông lệ quốc tế, đánh giá về sự tiến bộ, đánh giá về sự tích luỹ theo quá trình của học sinh mà còn theo quan điểm kế thừa. Học sinh, phụ huynh, xã hội đã làm quen bao nhiêu năm nay. Như vậy, vừa mang tính khoa học, vừa có tính thực tiễn …”, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học nhắc lại.

Liên quan đến kiến nghị về định mức giáo viên làm việc theo tuần, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, việc bố trí định mức giáo viên hiện nay phải tuân theo Luật Lao động, 40 giờ/tuần, 1 ngày không quá 8 tiếng. Do đó, đòi hỏi khi phân công xây dựng kế hoạch giáo dục phải mang tính sư phạm, phù hợp với điều kiện thực tiễn trong xây dựng kế hoạch nhà trường, kế hoạch lao động cho đội ngũ giáo viên….

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)