Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT tháo gỡ hàng loạt khó khăn cho giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025 ngành giáo dục cả nước sáng 19-8, TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ và Bộ GD-ĐT tháo gỡ hàng loạt khó khăn cho TP về giáo dục.

 

Cụ thể, báo cáo đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, bên cạnh những thuận lợi trong năm học 2023-2024, TP cũng một gặp một số khó khăn do một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn nên khi triển khai gặp phải những bất cập, khó khăn.

Cụ thể: Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8-9-2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, tại khoản 1, Điều 10, Chương IV quy định đối tượng hưởng chính sách: Giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp bảo đảm những điều kiện sau: … Trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

“Tỷ lệ 30% trẻ đặt ra tại nghị định chưa sát với thực tiễn của TP.HCM, do đó đối tượng được hưởng chính sách chưa cao”.

Cạnh đó, Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30-12-2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập: Đẩy mạnh cơ chế thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập… giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập” (Tại khoản 1, Điều 3).

Theo đó, nguồn ngân sách Nhà nước không cấp chi trả lương cho đội ngũ nhân viên hợp đồng, do đó các cơ sở giáo dục mầm non công lập gặp khó khăn do đơn vị chưa cân đối được nguồn ngân sách dẫn đến thiếu kinh phí chi trả cho đội ngũ nhân viên hợp đồng, thu nhập của đội ngũ không cao, khó khăn trong việc tuyển dụng, chưa thu hút được người lao động đến làm việc.

Lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét và điều chỉnh Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31-12-2020 về ban hành chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ em mẫu giáo: xem xét điều kiện về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non đối với giáo viên người nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên bản ngữ, giáo viên người nước ngoài tham gia tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh.

Tham mưu Chính phủ điều chỉnh bổ sung một số nội dung tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP: Bổ sung đối tượng liên kết giáo dục: “Cơ sở giáo dục mầm non công lập và cơ sở giáo dục phổ thông công lập” vào Điều 6; tăng thời hạn liên kết giáo dục (5 năm) tại Điều 11 phù hợp với quy mô tổ chức của nhà trường (ví dụ như: 12 năm đối với trường TH, THCS, THPT hoặc 7 năm đối với trường TH, THCS); điều chỉnh Điều 39 thành: “Số học sinh Việt Nam học chương trình nước ngoài có thể cao hơn 50% tổng số học sinh học chương trình giáo dục của nước ngoài tại cơ sở giáo dục” để tăng cơ hội học sinh Việt Nam được hưởng nền giáo dục chất lượng quốc tế tại Việt Nam.

Ngoài ra, theo lãnh đạo TP.HCM, TP.HCM là TP đông dân, số lượng hồ sơ thủ tục hành chính trong đó có các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực GD-ĐT lớn. Vị trí việc làm tại bộ phận một cửa chịu nhiều áp lực công việc, tuy nhiên chưa có hướng dẫn về việc thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ cho công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa.

Từ đó, TP.HCM đề xuất Bộ GD-ĐT nghiên cứu đề xuất chế độ, chính sách bồi dưỡng cho người làm việc tại Bộ phận Một cửa nhằm kịp thời động viên, khuyến khích, góp phần đưa hoạt động ngày càng hiệu quả, nâng hơn nữa chất lượng phục vụ.

Cũng theo bà Trần Thị Diệu Thúy, TP vẫn còn gặp khó khăn vướng mắc khi thực hiện lập chủ trương đầu tư các dự án trường học theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT. Do đó, kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu điều chỉnh quy định về diện tích đất bình quân tối thiểu cho 1 học sinh tại Thông tư số 13 nhằm phù hợp đặc thù riêng của TP.HCM có dân số đông, quỹ đất hạn hẹp đặc biệt là các khu vực trong nội thành để thực hiện đầu tư tăng thêm phòng học và các phòng chức năng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của TP.

 

Thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách với nhà giáo

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy phát biểu tại Hội nghị tổng kết sáng 19-8

Thông tin đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, TP sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của HĐND TP dành cho giáo dục. Tham mưu trình HĐND TP thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ cho giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 87/NQ-CP ngày 2-6-2023 của Chính phủ; triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội; tiếp tục đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển và hoàn thành nhiệm vụ GD-ĐT…

Lãnh đạo TP sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục TP khẩn trương triển khai Chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tăng cường ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số trong GD-ĐT, xây dựng TP học tập, xây dựng văn hóa học đường, Trường học hạnh phúc. Khẩn trương và quyết liệt thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình đột phá của TP để giáo dục TP hội nhập và phát triển với các nước trong khu vực và quốc tế.

Tiếp tục nghiên cứu, triển khai, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện Kết luận 91/KL-TW ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị; tiếp tục duy trì các kết quả đã đạt được, các chỉ số phát triển giáo dục của TP luôn duy trì trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

Trong năm 2024, TP sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu cấp TP chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/ 30-4-2025); trong đó công trình “Đầu tư, chuẩn hóa và hiện đại cơ sở vật chất, góp phần thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018, nâng cao các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em trên địa bàn và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.

Phấn đấu giai đoạn 2023-2025 toàn TP đạt mục tiêu thực hiện công trình xây dựng 4.500 phòng học mới đưa vào khai thác sử dụng; TP quyết liệt chỉ đạo, hỗ trợ; ngành giáo dục nỗ lực phấn đấu đề xuất giải pháp phấn đấu hoàn thành công trình đúng tiến độ, kế hoạch.

Lãnh đạo và chính quyền TP sẽ đề ra các kế hoạch, giải pháp linh động, phù hợp với đặc thù của địa phương để thực hiện chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu trong Kết luận 91/KL-TW ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 87/NQ-CP của Chính phủ; triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; chỉ đạo ngành giáo dục đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển và hoàn thành nhiệm vụ GD-ĐT góp phần thực hiện trọng tâm xây dựng TP.HCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, GD-ĐT, khoa học – công nghệ.

Yến Hoa

Bình luận (0)