Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM kiến nghị được tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiều 20-3, đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về kết quả công tác năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội.


Toàn cảnh buổi làm việc

Tham gia cùng đoàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Về phía TP.HCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Phan Văn Mãi; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; cùng các đại biểu khác.

Tại buổi làm, TP.HCM đã kiến nghị lên đoàn công tác 5 nội dung lớn. Trong đó, TP.HCM kiến nghị được tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đến hết giai đoạn 2023-2025 hoặc Quốc hội ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển TP phù hợp với vị trí vai trò của TP. Trong đó kế thừa một số nội dung của Nghị quyết 54 và bổ sung một số nội dung mới có liên quan đến tổng thể công tác quản trị TP.HCM.

Các nội dung kiến nghị cụ thể của Nghị quyết mới này gồm: Trọng tâm của nghị quyết và nghị định của Chính phủ là cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho TP.HCM, gồm 4 lĩnh vực: Quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế xã hội; Quản lý nhà đất và hạ tầng kỹ thuật – xã hội đô thị; Quản lý ngân sách nhà nước; Tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức theo hướng mở rộng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TP.HCM.

Hiện nay, TP.HCM đang có nhiều trói buộc bởi các luật chuyên ngành liên quan đến 4 lĩnh vực trên, với những chế định cụ thể, minh bạch thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương theo tinh thần Điều 12, 13, 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Trong lĩnh vực tài chính công, có cơ chế cho TP.HCM tạo nguồn thu mới từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Nguồn thu mới không phải điều tiết về Trung ương trong một thời gian nhất định. Ngoài chi thường xuyên, TP.HCM được quyền quy định tiêu chuẩn, định mức chi của TP phù hợp với nguồn thu và điều kiện kinh tế xã hội của TP.

Về tổ chức bộ máy hành chính, TP.HCM được tự quyết định bộ máy giúp việc, quy định chức năng, nhiệm vụ trong nội bộ các bộ phận giúp việc hoặc phân quyền, ủy quyền cho chính quyền cấp dưới thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của TP.

TP.HCM được quyền lựa chọn các nhân sự thuộc thẩm quyền TP quản lý, được sắp xếp, bố trí, sử dụng họ và đưa ra các quyết định cần thiết về nhân sự liên quan đến việc lựa chọn và sắp xếp đó, như tổ chức thi tuyển, bổ nhiệm, nâng ngạch bậc, quyết định đãi ngộ, khen thưởng…

Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật: TP.HCM kiến nghị được quy định một số khoản thu, chi phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của TP, đặt ra các khoản phí, lệ phí, thuế đặc thù như đánh thuế căn nhà thứ hai, nền đất bỏ hoang, hạn chế đầu cơ bất động sản… Cùng với đó, được quy định các hành vi vi phạm hành chính thường xảy ra ở đô thị nhưng Trung ương chưa có quy định, được nâng mức xử phạt vi phạm một số hành vi mang tính đặc thù đô thị…

TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước với khoảng 13% dân số, đóng góp khoảng 22-25%GDP, chiếm khoảng 25-27% tổng thu ngân sách nhà nước, có vị trí thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường rộng lớn. TP cũng là nơi đầu tiên thực hiện tổ chức chính quyền đô thị; xây dựng mô hình “Thành phố trong thành phố” đối với TP.Thủ Đức; tiên phong trong xây dựng đô thị thông minh; thu hút được nhiều nhóm cá nhân, tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, chiếm hơn 42% Startup cả nước.

Năm 2021, TP chịu tác động rất nặng nề của đợt bùng phát dịch lần thứ tư với biến chủng Delta nguy hiểm, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Tuy vậy, TP  đã khắc phục mọi khó khăn, thách thức, thể hiện sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị, có nhiều mô hình hay, từng bước kiểm soát được dịch bệnh để trở lại điều kiện bình thường mới, các hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh được khôi phục và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 381 ngàn tỷ đồng (đạt 104,5% dự toán), thu hút FDI đạt 7,23 tỷ đô la (bằng 138,6% so 2020), kiều hối đạt 6,6 tỷ USD, xuất khẩu tăng 2,8% so với cùng kỳ; có 05/09 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ như: thông tin và truyền thông; tài chính – ngân hàng – bảo hiểm; hoạt động khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; hoạt động y tế và cứu trợ xã hội.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, kinh tế TP phục hồi khá nhanh, có nhiều tín hiệu vui. Một số chỉ tiêu đạt bằng cùng kỳ, một số ngành đạt mức bằng như trước dịch, như: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng; ngành lưu trú, ăn uống tăng 18,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,1%.

Huy động vốn và dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng; tổng thu ngân sách Nhà nước 2 tháng đạt hơn 88.000 tỷ đồng, đạt 22,78% dự toán năm (tăng 14,85% so với cùng kỳ); trong đó thu nội địa tăng 19,07%, điều này cho thấy, nội lực kinh tế TP khá vững, còn nhiều dư địa để thúc đẩy phát triển.

Các hoạt động văn hóa – xã hội được triển khai theo kế hoạch, nhất là việc tổ chức tốt, chu đáo các hoạt động chăm lo Tết theo phương châm “Tết tri ân, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm” theo Chỉ thị 11 của Ban Bí thư.

Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, công tác tuyển, giao quân hoàn thành 100% chỉ tiêu; trật tự xã hội, an ninh chính trị TP được giữ vững.

Kiểm soát dịch có hiệu quả, đã triển khai tốt Chiến dịch bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao, bước đầu có hiệu quả chiến dịch bảo vệ trẻ em; tổ chức tiêm vắc xin xuyên Tết và đạt được kết quả tích cực (hơn 13.000 người); tăng cường lực lượng bác sỹ về cơ sở…

N.Trinh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)