Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM kiến nghị nhiều chính sách xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo

Tạp Chí Giáo Dục

Kiến nghị có thêm chính sách cho giáo viên giáo dục đặc biệt; có đặc thù riêng trong tuyển dụng giáo viên cho thành phố lớn; đề xuất không tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục… là những kiến nghị lớn được giáo viên TP.HCM đưa ra trong hội thảo tham vấn về chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý Nhà nước về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.HCM sáng 21-6.  


Cô Lê Thị Thanh Hương – Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Hưng Đạo chia sẻ tại hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, cô Lê Thị Thanh Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) cho biết, trong những năm gần đây, tình trạng thiếu giáo viên tại trường kéo dài, liên tục nhiều năm liền trường không tuyển đủ giáo viên. Cụ thể, năm học 2021-2022, trường thiếu 11 giáo viên, chỉ tuyển dụng được 6 giáo viên; năm học 2022-2023, trường thiếu 10 giáo viên nhưng tuyển dụng chỉ được 2 giáo viên; Tình trạng này tiếp tục diễn ra trong năm học 2023-2024, nhà trường thiếu 10 giáo viên chỉ tuyển được 2. Điều này khiến trường gặp nhiều trở ngại khi thực hiện nhiệm vụ giáo dục.

Khi thiếu giáo viên bộ môn, nhà trường phải điều tiết giáo viên nhiều môn sang phụ trách nhưng vì đa phần là thiếu giáo viên nghệ thuật nên giáo viên nhiều môn khó đảm bảo.

Từ thực tế tại đơn vị, theo cô Hương, giáo viên tại trường thường không gắn bó lâu dài vì khoảng cách từ nơi ở đến nơi làm việc xa, sau 1 thời gian sẽ xin thuyên chuyển hoặc nghỉ việc. Giáo viên mới được tuyển dụng sau thời gian ngắn cũng xin nghỉ việc, chuyển việc do không yên tâm công tác vì áp lực, lương và các chế độ chính sách không đảm bảo cuộc sống. Trong đó có hiện tượng “chảy máu chất xám” ở nhóm giáo viên trẻ…

“Nhà trường rất tâm đắc với giải pháp điều tiết giáo viên giảng dạy liên trường trong dự thảo Luật Nhà giáo vì giải pháp này sẽ có thể giải quyết được bài toán thiếu giáo viên. Dù vậy, nhà trường mong muốn có hành lang pháp lý cụ thể để thực hiện”.

Trong khi đó, cô Đặng Thị Lệ Hằng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Chánh đề xuất có thêm chính sách cho giáo viên giáo dục đặc biệt trong dự thảo Luật Nhà giáo. Đặc biệt là đề xuất tuổi nghỉ hưu với giáo viên giáo dục đặc biệt ở tuổi 55.

Cụ thể, cô Hằng cho biết, đặc thù giáo dục đặc biệt giáo viên rất vất vả. Mỗi lớp có 12-15 em từ mức độ nặng đến rất nặng. Giáo viên phải chăm sóc các em từ sáng đến tối. Vất vả nhất là với lứa tuổi lớp lớn từ 13-18 tuổi, khi phân công giáo viên giảng dạy lớp này thì thầy cô rất nản, không muốn dạy dù rất yêu nghề.

“Vì quá vất vả nên giáo viên giáo dục đặc biệt hiện nay thiếu trầm trọng, chưa đến 55 tuổi là thầy cô đã nghỉ rồi. Do vậy, nếu đưa giáo viên giáo dục đặc biệt như giáo viên khác thì không phù hợp mà cần có chính sách cho giáo viên giáo dục đặc biệt, ngoài ra tuổi nghỉ hưu của thầy cô cũng nên là 55 – tương đương với giáo viên mầm non trong dự thảo” – cô Hằng kiến nghị.

Nêu kiến nghị tại hội thảo, thầy Nguyễn Thanh Tòng – Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh) kiến nghị dự thảo Luật Nhà giáo nên có đặc thù riêng trong tuyển dụng giáo viên cho các thành phố lớn như TP.HCM. Đồng thời, thầy cho rằng dự thảo Luật cần có quy định cụ thể chi tiết về bảo vệ nhà giáo vì hiện nay áp lực của nhà giáo rất lớn, điều này là rất cần thiết để nhà giáo an tâm công tác.


Ông Trịnh Vĩnh Thanh – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp nêu ý kiến tại hội thảo

Ông Phạm Đăng Khoa – Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 kiến nghị dự thảo Luật Nhà giáo cần có thêm chính sách thu hút, giữ chân giáo viên ở những bộ môn khó tuyển dụng như âm nhạc, mỹ thuật, tin học, tiếng Anh, tổng phục trách đội…

Đặc biệt, theo ông hiện nay ngành giáo dục rất nhức đầu việc tinh giản biên chế 5-10% đến năm 2025 vì thực tế dân số tăng cơ học hàng năm cao, sĩ số học sinh mỗi năm đều tăng. Mà có học sinh thì phải có giáo viên. Ông kiến nghị ngành giáo dục không thuộc đối tượng tinh giản biên chế…

Hơn 60.000 ý kiến góp ý của giáo viên TP.HCM cho dự thảo Luật Nhà giáo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của ngành giáo dục TP.HCM cho hội thảo. Ngành giáo dục TP.HCM trong thời gian góp ý cho dự thảo Luật Nhà giáo đã ghi nhận tới hơn 60.000 ý kiến đóng góp. Số liệu này đã thể hiện được ý thức, trách nhiệm của đội ngũ thầy cô giáo của TP.HCM

“Là Sở GD-ĐT đầu tiên thực hiện nhiệm vụ Bộ GD-ĐT giao, đây là hội thảo rất ý nghĩa và thể hiện trách nhiệm của ngành giáo dục TP.HCM với Bộ GD-ĐT và chính là trách nhiệm đối với đội ngũ của mình. Đó không chỉ là trách nhiệm đối với các thầy cô giáo của TP.HCM – một lực lượng rất đông đảo mà còn là trách nhiệm với đội ngũ của toàn ngành. Lực lượng nhà giáo ở TP.HCM với một đặc điểm hết sức đa dạng, phong phú, số lượng lớn… thì những ý kiến của đội ngũ này rất là hữu ích” – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, nhà giáo có vai trò hết sức quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Kết quả của sự đổi mới giáo dục đạt được như thế nào phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo xây dựng Luật Nhà giáo để phát triển đội ngũ nhà giáo chứ không phải để quản lý, để có thêm những ràng buộc, phải làm sao để nhà giáo phát triển được lực lượng, môi trường làm việc, chế độ chính sách…

Đặc biệt, để đội ngũ nhà giáo được phát triển về số lượng, chất lượng, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu rõ, việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo cần có 5 nhà xây dựng: nhà quản lý (những nhà hoạch định chính sách); nhà khoa học (các chuyên gia); nhà đào tạo (các cơ sở đào tạo giáo viên); nhà sử dụng (thầy cô hiệu trưởng ở các trường) và người thụ hưởng (đội ngũ học sinh, sinh viên…)…

Yến Hoa

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)