TP.HCM kiến nghị việc sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cần được nghiên cứu đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất và tháo gỡ các điểm nghẽn khi các luật được ban hành.
Phát triển nhà ở trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa bền vững, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội của người dân (ảnh minh họa)
UBND TP.HCM vừa có văn bản báo cáo số liệu về nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn TP.HCM quý IV năm 2022 và cả năm 2022.
Theo báo cáo, những tháng đầu năm 2022 phát triển nhà ở vẫn chưa bền vững, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân; chưa đa dạng về sản phẩm, đặc biệt là nhà ở cho thuê. Đồng thời, phát triển nhà ở chưa đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chung của TP.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, 2022, chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở tăng thêm của 5 năm là 50 triệu m2 sàn; trong đó năm 2022 là 6,6 triệu m2 sàn. Ước đến hết năm 2022, TP.HCM xây dựng hoàn thành 8 triệu m2 sàn nhà ở, vượt 21,2% so với chỉ tiêu đề ra, diện tích bình quân đạt 21,41 m2 người.
Tình hình kinh tế – xã hội của TP.HCM trong quý IV và cả năm 2022 giữ được sự ổn định đã giúp cho thị trường BĐS điều chỉnh được các vấn đề: Không còn tình trạng tăng nóng, sốt cục bộ như những tháng đầu năm; Đã có các giải pháp kịp thời để kiểm tra, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; Hoạt động của các sàn giao dịch BĐS, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới được tăng cường kiểm soát; Kịp thời chấn chỉnh các hành vi mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường.
Tuy nhiên, nguồn cung BĐS trong những năm qua đã giảm rõ rệt do quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, quy hoạch, kiểm tra, nghĩa vụ tài chính… Đồng thời, việc kiểm soát chặt kênh tín dụng ngân hàng cũng như phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp BĐS. Thời gian gần đây, thị trường BĐS thứ cấp giảm, lại chịu ảnh hưởng của việc siết tín dụng khiến cho nguồn vốn đầu tư bị nghẽn và không còn hấp dẫn như trước.
Để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, hiệu quả, UBND TP.HCM đề xuất các giải pháp cần tháo gỡ từ các bộ, ngành Trung ương.
Trong đó, về vốn chủ sở hữu và vốn pháp định đối với chủ đầu từ các dự án BĐS nhằm đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính để đầu tư xây dựng phát triển dự án BĐS; tăng cường hợp tác quốc tế, khuyến khích thực hiện các dự án theo hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) hoặc hợp tác công tư (PPP) đối với các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Việc sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS cần được nghiên cứu đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất và tháo gỡ các điểm nghẽn khi các luật được ban hành.
UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn thời gian thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình từ năm 2023 đến năm 2025.
Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp; cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở cho các đối tượng này.
Đề xuất, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh BĐS nhằm góp phần khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, hạn chế đầu cơ, động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương.
Rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh và phù hợp với tình hình thực tế.
Sớm ban hành quy định về thuế suất giao dịch BĐS và số lượng BĐS sở hữu chịu thuế để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, giao dịch chính thức, tăng nguồn thu từ giao dịch BĐS và đảm bảo hoạt động kinh doanh được minh bạch và lành mạnh…
N.Trinh
Bình luận (0)