Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM kiến nghị phân bổ nguồn vốn Trung ương khoảng 25,6% để thực hiện các dự án

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 5-10, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM về kết quả triển khai Nghị quyết 98 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết 57 năm 2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM. Đồng thời, nghe báo cáo về các nội dung TP.HCM đăng ký để Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm 2024; các nội dung qua thực tiễn áp dụng tại TP.HCM cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM về kết quả triển khai các nghị quyết

Tham dự cuộc làm việc còn có 4 Phó Chủ tịch Quốc hội gồm ông Nguyễn Khắc Định, ông Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương và bà Nguyễn Thị Thanh, cùng Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội; ông Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, các thành viên Ban Thường vụ Thành ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, TP.HCM là địa phương có vai trò đầu tàu, đóng góp lớn cho cả nước. Tỷ trọng GRDP của TP.HCM chiếm khoảng 18% GDP cả nước, thu ngân sách chiếm trên 27%. Đảng, Nhà nước luôn dành cho TP.HCM sự quan tâm đặc biệt.

Cụ thể, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết số 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ý kiến tại cuộc họp tập trung đánh giá, làm rõ những nội dung trọng tâm, như: Kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện Nghị quyết 98, Nghị quyết 57 và những việc đang làm, chưa làm; những khó khăn, vướng mắc, hạn chế cần khắc phục, tháo gỡ; những đề xuất, kiến nghị của TP.HCM với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới…

Báo cáo về việc thực hiện 3 nghị quyết của Quốc hội tại cuộc làm việc, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Nghị quyết số 98 quy định 44 cơ chế đặc thù. Trong đó, có 30 cơ chế đã áp dụng, 2 cơ chế đang chờ bộ ngành bổ sung quy định, 1 cơ chế xin dừng thực hiện do đã có quy định mới thay thế, 4 cơ chế chưa đề xuất áp dụng, 7 cơ chế TP.HCM đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn. Theo ông Mãi, TP.HCM đã bố trí vốn đầu tư công, giải ngân 2.796 tỷ đồng (năm 2023) và 998 tỷ đồng (năm 2024) hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm. TP.HCM đã thông qua danh mục 7 vị trí phát triển TOD dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2, tuyến vành đai 3.

Bên cạnh đó, đã ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu để thực hiện đến năm 2028… Hiện đã có 16/32 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao đã được TP.HCM triển khai, đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tốt; đồng thời TP.HCM đang chỉ đạo khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các nội dung còn lại.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM, ông Mãi cho biết dự án được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về nguồn vốn, công tác chuẩn bị đầu tư nên có nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai, khẳng định được tính hiệu quả, hoàn toàn có thể áp dụng cho các dự án khác hoặc xem xét luật hóa.

TP.HCM đã hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án thành phần với tổng mức đầu tư là 68.660 tỷ đồng. Đảm bảo tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán theo kế hoạch; tiến độ khởi công, thi công các dự án thành phần cơ bản đáp ứng yêu cầu…

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM đã tổ chức thành công các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy HĐND các cấp; vai trò của HĐND TP.HCM được phát huy hiệu quả thông qua nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy…

Tại cuộc làm việc ông Phan Văn Mãi cũng báo cáo với đoàn công tác về các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4; đề án đường sắt đô thị; đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM. Theo ông Mãi, Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81 của Quốc hội đều thể hiện tinh thần mạnh mẽ là đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có hoàn thành đường vành đai 4 vào năm 2030.

Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc

Dự án có quy mô khoảng 206,72km, đi qua 5 tỉnh thành gồm: TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An; dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 136.593,45 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương 42.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 33.584 tỷ đồng, vốn BOT: 60.571 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, TP.HCM kiến nghị Quốc hội chấp thuận việc phân bổ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho TP.HCM khoảng 25,6% trong giai đoạn đến 2035, còn lại sử dụng ngân sách TP.HCM. Đồng thời, TP.HCM đề xuất Quốc hội thông qua đề án theo hướng thông qua khung chính sách cho TP.HCM và TP.Hà Nội để triển khai đề án, không phải là thông qua chủ trương đầu tư cho một dự án cụ thể.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM theo hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Đồng thời ghi nhận, đánh giá cao cách làm mới, khí thế mới, quyết tâm mới của TP.HCM; có sự quyết liệt với nhiều đề án mới, giải pháp mới được sự đồng thuận của người dân. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý TP.HCM cần quan tâm một số vấn đề như: Tăng trưởng chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế; kết cấu hạ tầng đầu tư là chưa đồng bộ.

Về 3 dự án mới mà TP.HCM đề xuất gồm, Chủ tịch Quốc hội nhận xét đây là những dự án mang tầm nhìn mới, là vấn đề cấp bách, yêu cầu khách quan. Chủ tịch Quốc hội cho biết Đảng đoàn Quốc hội, Thường vụ Quốc hội sẵn sàng phối hợp khẩn trương, thường xuyên, trên định hướng, chủ trương ủng hộ. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý hồ sơ phải đầy đủ theo quy định, làm rõ về căn cứ pháp lý và đánh giá kỹ, đầy đủ các tác động. Chủ tịch Quốc hội đề nghị TP.HCM phối hợp bộ ngành khẩn trương xin chủ trương, hoàn tất thủ tục để trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Nhật Huy

Bình luận (0)