Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết 54

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Để đảm bảo tính liên tục của các chính sách TP.HCM đã và đang thực hiện, tiếp tục phát huy thành quả đạt được, UBND TP.HCM kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết số (NQ54) để TP.HCM được tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển nhanh, bền vững.


Toàn cảnh buổi giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 54

Chiều 17-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2022, phương hướng, giải pháp các tháng cuối năm 2022.

Với kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết thay thế NQ54, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết: “Nghị quyết mới bao gồm những nội dung kiến nghị thay thế Nghị định số 93/2001/NĐ-CP của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho TP.HCM; những cơ chế mà TP đang cần Trung ương hỗ trợ để phát huy tốt hơn lợi thế, tiềm năng của mình, trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Thủ Đức”.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, TP.HCM còn kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành một nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho Trung tâm tài chính Quốc tế tại TP.HCM. Đối với một số nội dung đặc thù trong lĩnh vực tài chính – ngân sách, TP.HCM kiến nghị Quốc hội tiếp tục giữ ổn định tỷ lệ điều tiết 21% cho giai đoạn 2023 – 2023 như năm 2022. Cho phép TP chủ động điều chuyển nguồn vay trong kế hoạch vay hàng năm.

Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị nhiều nội dung khác. Trong đó, kiến nghị Quốc hội xem xét, bổ sung đối tượng được hưởng chính sách tăng thu nhập đối với các đối tượng khác thuộc TP quản lý như: người làm việc trong các tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, người lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. Cho phép thí điểm đổi mới tuyển dụng công chức, viên chức. Ngoài tiêu chuẩn chung theo quy định pháp luật hiện hành, cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức của TP.HCM được quyền quy định các điều kiện, tiêu chuẩn riêng đối với các vị trí việc làm đặc thù để tuyển dụng công chức.

Về tổ chức, bộ máy, kiến nghị cho TP.HCM được quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP. Cho phép UBND TP được quyền trình HĐND TP quyết định biên chế hành chính, số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP;…

NQ54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM ban hành cuối năm 2017. Có 4 lĩnh vực được quy định tại nghị quyết này gồm: quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính ngân sách; cơ chế phân cấp, ủy quyền cũng như chế độ chính sách cho cán bộ công chức, viên chức.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, TP.HCM đã thực hiện có hiệu quả, các đề án đã cơ bản hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Một số đề án, chương trình, cơ chế đột phá đã được nghiên cứu xây dựng thực hiện, tạo sự phấn khởi, đồng thuận trong cả hệ thống chính trị TP.

Việc triển khai các nội dung, đề án đạt một số kết quả tích cực, tạo sự chủ động nhiều hơn cho TP so với thời gian trước. Tiến độ các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn khá nhiều so với việc trình các cơ quan Trung ương thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của TP.

Việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài về cho TP vay lại đã giúp TP có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển.

Việc thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Đối với chính sách chi thu nhập tăng thêm đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện TP, góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc.

Tương tự, việc đẩy mạnh ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn TP góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng một số nội dung triển khai NQ54 còn chậm so với kế hoạch dự kiến. Có nhiều nguyên nhân, trong đó do có ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành; một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định. Ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 cũng tác động không nhỏ đến tình tình triển khai NQ54.

Mặt khác, cơ chế tài chính chưa được phát hay như mong đợi, TP chưa có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng ngày càng gia tăng. TP cũng chưa có nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Về nguyên tắc chi trả thu nhập tăng thêm căn cứ vào số ngày làm việc thực tế của cán bộ, công chức, viên chức khi triển khai còn một số khó khăn, vướng mắc do thời gian làm việc theo quy định riêng của mỗi ngành, lĩnh vực là khác nhau; đặc biệt là một số ngành, lĩnh vực đặc thù như giáo dục và đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, văn hóa, nghệ thuật – thể dục, thể thao. Thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đòi hỏi sự thận trọng trong xây dựng cơ chế tổ chức thực hiện nên thời gian xây dụng quy trình cần nhiều thời gian nghiên cứu, hoàn thiện…

“Vì vậy, việc đóng góp ý kiến của các đại biểu tại buổi giám sát góp phần hoàn thiện báo cáo phục vụ cho Đoàn Đại biểu Quốc hội TP có cơ sở tham gia góp ý trong Kỳ họp thứ 3 – Quốc hội khóa XV sắp tới, bao gồm báo cáo kinh tế xã hội, báo cáo kết quả thực hiện NQ 54; cũng như tiếp tục hoàn thiện thêm để làm rõ, phân tích sâu những nội dung kiến nghị của UBND TP”.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)