Từ đầu năm học 2024-2025, TP.HCM đã rất quyết liệt với nhiều giải pháp để chống lạm thu trong năm học.
Khoản thu được tăng không quá 15% so với năm học trước
Năm học 2024-2025 là năm thứ 2 HĐND TP.HCM ban hành riêng một nghị quyết (NQ) quy định về các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, NQ13 trong năm học này chỉ còn quy định 9 khoản thu và mức thu, thay vì 26 khoản thu như trong NQ04 năm học 2023-2024.
Để hướng dẫn các cơ sở giáo dục nắm chắc công tác thu chi trong năm học mới, Sở GD-ĐT TP.HCM đã ban hành hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác trong năm học 2024-2025 cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.
Trong đó yêu cầu rõ nhà trường thực hiện theo quy định 9 khoản thu trong NQ13 của HĐND TP về đúng tên gọi khoản thu và thực hiện đúng mức thu. Các mức thu quy định tại NQ13 là mức thu tối đa. Căn cứ tình hình thực tế của nhà trường và nhu cầu của học sinh, nhà trường tổ chức thống nhất với cha mẹ học sinh mức thu cụ thể nhưng không vượt quá mức thu quy định tại NQ và không được cao hơn 15% so với mức thu đã thực hiện trong năm học 2023-2024.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT quy định rõ nhà trường được phép thu tổ chức các hoạt động giáo dục, bao gồm: Khoản thu tổ chức các hoạt động giáo dục khác của chương trình nhà trường; Khoản thu tổ chức các hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án; Các khoản thu cho cá nhân học sinh. Tổng cộng với 17 khoản thu.
Ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, về cơ bản các nội dung thu trong năm học 2024-2025 trong nhà trường vẫn không thay đổi so với năm học trước, với tổng cộng 26 khoản thu bao gồm 9 khoản thu trong NQ13 và 17 khoản thu được Sở GD-ĐT hướng dẫn chi tiết cho từng bậc học, căn cứ theo NQ04 trong năm học 2023-2024.
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu chấn chỉnh ngăn chặn lạm thu ngay đầu năm học
Ngay đầu năm học mới, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu Sở GD-ĐT TP.HCM phải ngăn chặn tình trạng lạm thu đầu năm học. Theo ông, HĐND TP đã ban hành nghị quyết quy định rõ ràng về các khoản thu và mức thu trong các trường học. Các trường phải tuân thủ đúng quy định và tất cả các khoản thu trong nhà trường cần phải minh bạch, không được vi phạm những nguyên tắc đã đề ra. Nếu nhà trường có nhu cầu vận động thu ngoài các khoản được phê duyệt, các trường phải nhận được sự đồng ý từ phụ huynh trước khi tiến hành. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng khuyến khích báo chí phản ánh những trường hợp lạm thu để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Ông nhấn mạnh, ngành giáo dục không nên để xảy ra những vụ việc đi ngược lại tôn chỉ và triết lý giáo dục. |
Tuy nhiên, năm nay trong nội dung các khoản thu hoạt động giáo dục trong chương trình nhà trường nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục như việc tổ chức các lớp học tăng cường ngoại ngữ, tổ chức dạy tin học; tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và chương trình nhà trường, thì được bổ sung thêm 3 nội dung thu mới: Tiền tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra các chứng chỉ quốc tế; Tiền tổ chức các hoạt động giáo dục khảo sát làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo; Tiền tổ chức hoạt động giáo dục công dân số với học sinh tiểu học.
Theo ông Trần Khắc Huy, nguyên tắc tổ chức thu là các nội dung và mức thu đảm bảo có tính kế thừa đã tổ chức hướng dẫn thực hiện theo quy định từ năm học 2023-2024. Sở GD-ĐT yêu cầu ngay từ đầu năm học các cơ sở giáo dục công lập căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của học sinh để chủ động xây dựng dự toán thu – chi cho từng nội dung thu làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể, đảm bảo nguyên tắc thu đủ chi đủ và sử dụng các khoản thu đúng mục đích.
Thực hiện công khai kế hoạch thu – chi của từng khoản thu đến phụ huynh học sinh trước khi thực hiện. Mức thu đảm bảo tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo. Tỷ lệ mức thu năm học 2024-2025 (nếu có) không quá 15% so với mức thu đã thực hiện trong năm học 2023-2024.
Các khoản thu thỏa thuận thì tuyệt đối phải… thỏa thuận với phụ huynh
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu lưu ý, các khoản thu thỏa thuận trong năm học 2024-2025, nhà trường phải đảm bảo nguyên tắc thỏa thuận với phụ huynh, dựa trên nhu cầu học sinh, với mục đích duy nhất là hướng đến phục vụ quyền lợi học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, phải minh bạch, rõ ràng, công khai, dân chủ…
Ông yêu cầu mỗi hiệu trưởng phải tập trung cao độ triển khai đúng tinh thần. Các khoản thu phải thông qua hội đồng trường, có sự tham gia của phụ huynh học sinh ngay từ đầu.
“Ví dụ khoản mua sắm trang phục thì phải có phụ huynh cùng tham gia, bàn bạc về mẫu mã, chất liệu, giá thành. Cũng như dịch vụ giảng dạy với giáo viên nước ngoài thì nhà trường minh chứng qua kết quả giảng dạy trong năm học trước, cùng bàn bạc với giáo viên, phụ huynh để triển khai, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh. Hiệu trưởng là người quyết định lựa chọn và chịu trách nhiệm với quyết định” – ông Hiếu nêu dẫn chứng.
Người đứng đầu ngành giáo dục TP yêu cầu tuyệt đối không để ngay đầu năm mà có hoạt động thu chi không rõ ràng, không minh bạch trong nhà trường. Hoặc là tình trạng tự nguyện không đáp ứng rộng rãi. Khi tổ chức các môn học lựa chọn thì chỉ khi 100% phụ huynh đồng thuận mới được xếp lớp, còn nếu không có thể tính đến việc tổ chức lớp học chạy như tại trường THPT.
Thanh tra, kiểm tra công tác thu chi trong suốt 3 tháng đầu năm học
Năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ triển khai 110 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các phòng GD-ĐT; các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập; trung tâm ngoại ngữ, tin học… ở nhiều nội dung. Trong đó, riêng suốt 3 tháng đầu năm học là tháng 9, 10, 11, Sở GD-ĐT sẽ triển khai hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, thu chi đầu năm học tại các phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS trực thuộc phòng GD-ĐT; các trường THPT và cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD-ĐT nhằm giám sát tình hình công tác quản lý thu, chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục; kiểm tra công tác vận động tài trợ cho giáo dục và kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, nội dung thanh tra, kiểm tra còn về tình hình hoạt động giáo dục và công tác quản lý tại đơn vị; hồ sơ pháp lý thực hiện chế độ chính sách và điều lệ trường học; kiểm tra công tác chấm, coi thi; tuyển sinh đầu cấp; kiểm tra công tác đảm bảo an toàn trường học, cơ sở vật chất, nhà vệ sinh và môi trường trường học; công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số; phòng chống bạo lực học đường. |
Không thể để xảy ra tình trạng phụ huynh kêu rằng con tôi không có học cờ nhưng nhà trường lại xếp tiết cờ vào tiết thứ ba buổi chiều, bé không học phải ra ngoài… Không thể xếp thời khóa biểu như vậy. Thời khóa biểu tiết lựa chọn phải đồng bộ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng như phản ánh của phụ huynh.
Ông đề nghị các phòng giáo dục phải chỉ đạo quyết liệt hiệu trưởng đơn vị. Hiệu trưởng nào làm sai phòng GD-ĐT phải có biện pháp xử lý. Riêng hiệu trưởng các trường THPT khi sai thì Giám đốc Sở GD-ĐT sẽ xử lý.
“Chúng ta phải quyết liệt với nhau như vậy, phải bảo vệ mình trước hết là vì quyền lợi của học trò nhưng còn vì là danh dự của nhà giáo…” – ông Nguyễn Văn Hiếu nói.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng cho biết thêm, với những hạn chế về công tác tài chính của các nhà trường trong năm học vừa qua thì năm học 2024-2025 sở sẽ tiếp tục giám sát. Ông đề nghị nhà trường khi thực hiện các nội dung thu, mức thu, thời điểm thu cần tập theo hướng dẫn. Đặc biệt các nội dung thu được HĐND TP thông qua thì cần tuân thủ tên khoản thu, mức thu. Đầu năm học cần xây dựng dự toán cho các hoạt động thu dựa trên các hoạt động trong kế hoạch năm học.
“Các khoản thu cần xây dựng trên nhiệm vụ chuyên môn, xây dựng mức thu phù hợp với từng hoạt động của đơn vị trường học, xây dựng dự toán theo biên chế năm học. Tránh trường hợp cào bằng thời gian thu…” – ông Dũng lưu ý.
Giang Quân
Bình luận (0)