- 1 TP.HCM: Kinh tế khởi sắc trong hai tháng đầu năm 2025
Trong hai tháng đầu năm 2025, tình hình kinh tế TP.HCM ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, với nhiều chỉ tiêu tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực bán lẻ, du lịch, vận tải hành khách công cộng đều đạt mức tăng trưởng đáng kể, thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ và tiềm năng phát triển của thành phố trong thời gian tới.

Ngày 6-3, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM. Ông Đỗ Quang Hưng, Trưởng phòng Tổng hợp và Quản lý ngân sách thuộc Sở Tài chính, cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong hai tháng đầu năm ước đạt 212.721 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 25,6%, còn dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt mức tăng trưởng ấn tượng 40,5%.
Đặc biệt, ngành du lịch TP.HCM cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ với doanh thu ước đạt 37.417 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế đến TP.HCM đạt khoảng 1,044 triệu lượt, tăng 15,7%, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của ngành du lịch và dịch vụ. Song song đó, khối lượng vận tải hành khách công cộng cũng có bước phát triển đáng kể khi tăng 18,9% so với cùng kỳ. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đón hơn 7 triệu lượt khách, tăng 5% so với năm trước.
Đáng chú ý, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã phục vụ hơn 3,8 triệu lượt hành khách, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc phát triển hệ thống giao thông công cộng của TP.
Về thu ngân sách, trong hai tháng đầu năm, TP.HCM đạt 108,8 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 20,92% dự toán và tăng 7,1% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 91.799 tỷ đồng, tương đương 23,58% dự toán, trong khi thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 17.000 tỷ đồng, đạt 13,08% dự toán.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, TP.HCM cũng đối mặt với một số thách thức nhất định. Dù tổng vốn đăng ký mới và bổ sung tăng 22,8%, số doanh nghiệp thành lập mới lại giảm 37,6% về số lượng và 47,9% về vốn đăng ký. Đồng thời, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cũng tăng 12,3%. Ngoài ra, tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông vẫn còn phổ biến, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có giải pháp quyết liệt hơn để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội trong tháng 3 và những tháng tiếp theo, TP.HCM sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, TP sẽ chủ động thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025, hướng đến mục tiêu hoàn thành kế hoạch năm đề ra.
Ở lĩnh vực văn hóa, thể thao, TP.HCM chú trọng tổ chức các sự kiện, lễ hội một cách trang trọng, an toàn và tiết kiệm, đặc biệt là chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30-4-1975/ 30-4-2025). TP cũng tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tham gia Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO, đồng thời triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp, hướng đến Đại hội Thể dục thể thao cấp TP vào năm 2026.
Về tổ chức bộ máy, TP.HCM tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn cơ cấu tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo các nghị quyết của Trung ương và kế hoạch của UBND TP. Việc cải cách hành chính và tinh giản bộ máy nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Về quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, cần đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, duy trì chế độ sẵn sàng chiến đấu tại các cơ quan, địa phương, đơn vị. Việc theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế phải được thực hiện chặt chẽ nhằm kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp xử lý hiệu quả, tránh bị động, bất ngờ.
Thủy Phạm
Bình luận (0)