Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

TP.HCM: Lần đầu học sinh lớp 9 được học thử ở trường THPT

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 1.000 phụ huynh, học sinh khối 9 đến từ các trường THCS trên địa bàn quận 1 và quận 3 đã có chuyến trải nghiệm thực tế tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) sáng 2-3.


Học sinh lớp 9 lần đầu được học thử tiết tiếng Anh ở Trường THPT Lê Quý Đôn

Năm nay, ngày trải nghiệm được Trường THPT Lê Quý Đôn thiết kế với nhiều điểm mới khi “mở cổng” đón cả học sinh, giáo viên và phụ huynh khối 9. Công tác tư vấn được tăng cường với phần tư vấn chung về Chương trình GDPT 2018, tư vấn cách chọn nguyện vọng trường THPT và phần tư vấn riêng về môi trường giáo dục của trường, cách thức tổ chức Chương trình GDPT 2018 với các môn học lựa chọn.

Đặc biệt, điểm ấn tượng nhất trong ngày trải nghiệm là học sinh khối 9 được… học thử ở các lớp học trải nghiệm trong nhiều môn học như toán, ngữ văn, tiếng Anh, lịch sử, tích hợp… Đồng thời, được tham gia vào các CLB của trường.


Môn toán – tiếng Anh thu hút đông đảo học sinh lớp 9 "học thử"

Tham gia vào lớp học thử môn tiếng Anh, Tú Anh (học sinh lớp 9, Trường THCS Minh Đức, quận 1) cảm thấy thú vị khi môn học được gắn với nhiều trải nghiệm thực tế và các dự án lớn, khác với cách học tại trường THCS hiện nay. “Tiết học thử giúp em hình dung được phương pháp học tại trường, cũng như môi trường giáo dục của trường. Những trải nghiệm thực tế này vô cùng hữu ích giúp chúng em để có thêm định hướng khi đặt nguyện vọng, nỗ lực phấn đấu vào ngôi trường mình yêu thích”.


Phụ huynh học sinh khối 9 nghe tư vấn cách chọn nguyện vọng ở bậc THPT

Đưa gần 150 học sinh lớp 9 tham gia trong ngày trải nghiệm, cô Lê Quy Thục – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) đánh giá, mô hình trải nghiệm với đa dạng các hoạt động đã giúp phụ huynh, học sinh, giáo viên chủ nhiệm khối 9 có nhiều hình dung về môi trường THPT.

Cô Thục phân tích: Cái khó của công tác tư vấn tuyển sinh vào lớp 10 của trường THCS hiện nay là chưa thực sự nắm hết về môi trường giáo dục của các trường THPT khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Do vậy, việc các trường THPT mở cổng “đón” học sinh, phụ huynh, giáo viên khối 9 sẽ góp phần giúp trường THCS thực hiện tốt công tác tư vấn tuyển sinh, cùng trường hoàn thiện hệ sinh thái hướng nghiệp để giúp các em chọn được trường phù hợp nhất.

Thiết kế lớp học trải nghiệm môn tiếng Anh dành cho học sinh lớp 9, thầy Nguyễn Dương Hoàng Minh (giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Lê Quý Đôn) cho biết, tổ bộ môn giới thiệu đến học sinh những hoạt động chính trong môn học, các điểm nhấn trong phương pháp học. Ngoài hoạt động học thuật, các em còn được học thông qua những trải nghiệm thực tế, các dự án xã hội, giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học vào thực tế.

“Ở bậc THPT phương pháp học sẽ khác với bậc THCS, đòi hỏi các em tính tự học, sự chủ động, sáng tạo nhiều hơn. Đặc biệt, với mỗi mô hình trường lại có những nét riêng biệt ở trong từng môn học, hoạt động giáo dục, hướng tới mục tiêu giáo dục của trường. Tiết học trải nghiệm mong muốn mỗi học sinh lớp 9 thấy được bức tranh cụ thể về môn học. Để làm sao khi bước vào trường ở bậc lớp 10 các em sẽ không có sự bỡ ngỡ”  – thầy Minh bày tỏ.

Giúp học sinh và phụ huynh khối 9 thay đổi quan điểm chọn trường

Cùng con đang học lớp 9 tại Trường THCS Minh Đức (quận 1) đến trải nghiệm học tập tại Trường THPT Lê Quý Đôn, chị Tạ Vũ Thục Oanh (giảng viên Khoa Thời trang và Du lịch, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) phấn khởi không chỉ vì môi trường giáo dục của trường mà còn bởi cách thức tiếp cận định hướng sớm về nghề nghiệp cho học sinh.

Đứng ở vai trò là một giảng viên đại học, chị Oanh kể: Đầu mỗi năm học, khi thực hiện khảo sát sinh viên năm 1 để nhập môn thì kết quả nhận được là đa phần sinh viên cho biết chọn ngành vì theo truyền thống gia đình, do ba mẹ thích, chọn học theo bạn bè… Điều này khiến trường đại học rất “đau đầu” vì phải đào tạo những sinh viên không có định hướng nghề nghiệp ngay từ ban đầu. Thậm chí, nhiều sinh viên học đến năm thứ 2 vẫn không hiểu rõ ngành mình đang học.

“Tôi đánh giá cao mô hình định hướng sớm sự lựa chọn ngành nghề cho học sinh ngay từ bậc THPT của nhà trường, giúp học sinh và phụ huynh khối 9 thay đổi quan điểm trong chọn ngành học, có định hướng từ sớm để chọn phù hợp… Khi định hướng nghề nghiệp sớm từ bậc THPT, thì lên học bậc đại học các em sẽ rất hiệu quả”.


Học sinh lớp 9 thích thú tìm hiểu các CLB tại trường

Theo cô Bùi Minh Tâm – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, với những điểm mới của Chương trình GDPT 2018 hướng tới mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho học sinh thì điều quan trọng nhất là ngay từ đầu các em phải chọn đúng môi trường THPT phù hợp với năng lực, sở trường.

“Con muốn học kiến trúc nhưng nếu chọn trường THPT không tổ chức được môn MỸ thuật thì cũng là mất cơ hội của con. Với Chương trình GDPT 2018 hiện nay, phụ huynh học sinh cần phải quan tâm đến câu chuyện rằng chọn nguyện vọng không phải là chọn trường tốp cao mà phải là trường phù hợp. Khi chọn trường ngoài quan tâm đến điểm số thì còn phải quan tâm đến môi trường giáo dục, nhóm môn học lựa chọn của trường có phù hợp với mong muốn của học sinh hay không. Đây là lý do mà ngày trải nghiệm năm nay được nhà trường mở rộng theo hướng là ngày trải nghiệm với sự tham gia của phụ huynh; học sinh lớp 9 được tham gia học tập như một học sinh THPT, chứ không chỉ dừng ở school tour như năm trước” – cô Tâm nói.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)