Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

TP.HCM lần đầu tổ chức Giải thể thao học sinh với 21 bộ môn thi đấu

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh TP.HCM từ tiểu học đến THPT sẽ có cơ hội tranh tài ở 21 nội dung thi đấu trong Giải thể thao học sinh TP.HCM năm học 2024-2025 lần đầu tiên được Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức.

Giải thể thao học sinh TP.HCM lần đầu được Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP tổ chức

Giải đấu nhằm đẩy mạnh phong trào rèn luyện thể dục thể thao cho học sinh thành phố, phát hiện tài năng thể thao cũng như hướng tới hiện thực hóa mục tiêu mỗi học sinh thành phố biết chơi ít nhất 1 môn thể thao được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ VII.

Giải thể thao học sinh TP.HCM năm học 2024-2025 được tổ chức ở 3 cấp: Trường học; quận/huyện; thành phố. Học sinh đoạt giải cấp thành phố được tuyển chọn, thành lập đội tham dự các giải thể thao học sinh cấp khu vực và toàn quốc.

Thời gian tổ chức kéo dài đến tháng 3-2025.

Danh mục các môn thi đấu cấp thành phố gồm 21 môn: Điền kinh; bơi; bóng bàn; bóng đá; bóng chuyền; bóng rổ; bóng ném; cầu lông; cờ vua; cờ tướng; Futsal; Vovinam; Judo; đá cầu; đẩy gậy; kéo co; quần vợt; Taekwondo; thể dục Aerobic- Thể dục cổ động; võ cổ truyền; Karate.

Sở GD-ĐT TP.HCM quy định, đối tượng được tham dự Giải thể thao như sau:

-Tiểu học: từ 7-11 tuổi.

-THCS, GDNN-GDTX: từ 12-15 tuổi.

-THPT, GDNN-GDTX: từ 16-18 tuổi

Học sinh ở cấp học dưới quá tuổi theo quy định thì được phép thi đấu ở cấp học trên liền kề, nhưng không được vượt quá tuổi quy định của cấp học đó. Mỗi học sinh chỉ được đăng ký thi đấu cho 1 đơn vị, ở 1 cấp học và thi đấu tối đa 2 môn thể thao.

Đối tượng không được tham dự giải gồm:

-Học sinh đang hưởng chế độ đội tuyển thuộc hệ thống đào tạo của thành phố. Riêng môn Futsal các vận động viên thuộc hệ thống đào tạo của thành phố đều không được tham dự.

-Học sinh đã tham dự thi đấu giải Vô địch quốc gia, quốc tế.

-Học sinh đạt huy chương vàng, bạc và đồng tại các giải trẻ, nhóm tuổi quốc gia, quốc tế của từng môn thể theo do Cục Thể dục thể thao và các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, quốc tế tổ chức từ năm 2022 trở lại đây.

-Học sinh có tiền sử bệnh tim mạch, thần kinh.

-Học sinh đang bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.

Ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, Giải thể thao học sinh TP.HCM lần đầu được ngành giáo dục phối hợp phát động trong năm học này nhằm đẩy mạnh phong trào rèn luyện thể chất trong học sinh gắn với phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể thao gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn TP.HCM; thúc đẩy phong trào thể thao học sinh nhằm nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất toàn diện cho học sinh.

Song song đó, giải cũng hướng tới thực hiện đổi mới giáo dục, góp phần thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; Đánh giá hiệu quả triển khai công tác thể thao học đường, đánh giá năng lực tổ chức, quản lý, điều hành phong trào thể thao các cơ sở giáo dục, giáo viên giáo dục thể chất…

Giải thể thao cũng là sân chơi để qua đó giáo dục học sinh nhân cách, kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe, bồi dưỡng lối sống tích cực, ý thức trách nhiệm đối với gia đình, xã hội…

“Trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ VII có đặt mục tiêu đến năm 2030 mỗi học sinh thành phố biết chơi ít nhất một môn thể thao. Trước đó, năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phát động Ngày Thể thao học sinh vào mỗi chủ nhật hàng tuần. Do đó, Giải thể thao học sinh thành phố được tổ chức nhằm tạo môi trường, điều kiện để sân chơi thể thao học đường, phong trào thể thao học đường của mỗi nhà trường phát triển. Đặc biệt hướng tới giáo dục toàn diện học sinh…”.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)