Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM lấy ý kiến việc tăng học phí từ năm học 2022-2023

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

TP.HCM đề xuất tăng học phí lên đến 300.000 đồng/học sinh/tháng đối với học sinh 16 quận và TP.Thủ Đức trong năm học 2022-2023. Từ năm học 2023-2024 trở đi, mức học phí tăng không quá 7,5%/năm.


Năm học 2022-2023, TP.HCM đề xuất tăng học phí lên đến 300.000 đồng/học sinh/tháng đối với học sinh 16 quận và TP.Thủ Đức

Riêng học sinh ở 5 huyện còn lại được đề xuất mức thu từ 100.000-240.000 đồng/học sinh/tháng. Học sinh tiểu học không thu học phí.

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa tổ chức lấy ý kiến góp ý Dự thảo ban hành Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo trên địa bàn TP.HCM theo Nghị quyết số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.

Cụ thể, mức thu học phí dự thảo nghị quyết từ năm học 2022-2023 đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên, như sau:

Nhóm 1: Nhà trẻ, Mẫu giáo, THCS, THPT có mức thu 300.000 đồng/học sinh/tháng. Học sinh tiểu học không thu học phí. Áp dụng cho học sinh tại trường ở Thành phố Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân.

Nhóm 2: Nhà trẻ có mức thu 120.000 đồng/học sinh/tháng; Mẫu giáo, THCS, THPT là 100.000 đồng/học sinh/tháng. Học sinh tiểu học không thu học phí. Áp dụng học sinh học tại các trường ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.

Đối với cơ sở giáo dục tiểu học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên từ năm 2022-2023, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: UBND TP đề xuất bổ sung quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục tiểu học chưa tự bảo đảm chi thường xuyên bằng mức học phí theo quy định đối với THCS đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên. Cụ thể, học sinh tiểu học Nhóm 1 sẽ thu 300.000 đồng/tháng, nhóm 2 sẽ thu 100.000 đồng/tháng.

Đồng thời, mức học phí đối với cấp tiểu học quy định tại điểm này làm căn cứ thực hiện chính sách: hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập và các đối tượng học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.

Với cơ sở GDTX, sẽ thực hiện mức học phí tương đương với mức học phí của cơ sở giáo dục phổ thông công lập cùng cấp học trên địa bàn TP.

Từ năm học 2023- 2024 trở đi, căn cứ chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân, UBND TP đề xuất trình HĐND quyết định mức thu học phí cụ thể nhưng không quá 7,5%/năm và không vượt mức trần quy định.


Từ năm học 2023-2024 trở đi, mức học phí tăng không quá 7,5%/năm

Sở GD-ĐT cho biết, Dự thảo Nghị quyết mức thu học phí được xây dựng theo nguyên tắc chia sẻ giữa nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định và bảo đảm chất lượng giáo dục.

TP.HCM là địa phương quan tâm tốt đến GD-ĐT, tỷ lệ đầu tư ngân sách chi thường xuyên hằng năm hơn 20% nhưng vẫn chỉ đảm bảo cơ bản chế độ cho đội ngũ, tỷ lệ đầu tư cho cơ sở vật chất và hoạt động chuyên môn rất khiêm tốn, đòi hỏi phải giải quyết từ học phí mới có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập hiện nay.

Trong tình hình dịch bệnh, Sở GD-ĐT đánh giá việc đề xuất tăng học phí là hết sức nhạy cảm. Tuy nhiên quy định khung học phí năm học 2022-2023 theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP hiện tại quy định mức sàn thu học phí đối với các địa bàn dân cư thành thị và nông thôn tương đương với nhóm 1 và nhóm 2 là 100.000 đến 300.000 ngàn đồng/học sinh/tháng đối với tất cả các bậc học. Đồng thời mức học phí dự kiến hạn chế thấp nhất mức chênh lệch tăng tuyệt đối so với mức thu của năm học 2021-2022.

Việc phát sinh chênh lệch mức thu học phí giữa các địa bàn quận nội thành và các huyện nội thành do mức thu các năm trước đây TP.HCM luôn duy trì mức thu học phí thấp và không tăng trong suốt 6 năm nay, đảm bảo mức sàn (mức thấp nhất) theo đúng quy định của Nghị định số 81.

Sở GD-ĐT nhận định khung thu học phí đang đề xuất thực hiện là đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng đóng góp của người học, việc thu học phí góp phần tăng nguồn thu cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, khuyến khích và luôn tạo điều kiện cho học sinh thuộc các diện chính sách có điều kiện được đi học, tạo được đồng thuận của các tầng lớp xã hội. Ngoài ra cũng góp phần với ngân sách nhà nước nâng cao mức đầu tư trên mỗi học sinh, bên cạnh đó còn có tác động đến điều tiết ngân sách đầu tư nhiều hơn ở nơi còn nhiều khó khăn, thực hiện tốt tính công bằng trong hệ thống giáo dục.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất tiếp tục thực hiện mức thu học phí theo hình thức học trực tuyến (học online) bằng 50% mức thu học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã được ban hành, được làm tròn đến đơn vị nghìn đồng.

Riêng học phí cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập trên địa bàn TP.HCM, UBND TP sẽ trình HĐND TP không quy định mức thu học phí do không thuộc thẩm quyền của HĐND TP.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)