2,7 triệu m³ là khối lượng nước mà TPHCM cần dùng mỗi ngày cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt năm 2015. Con số này sẽ tăng khoảng 3,55 triệu m³/ngày vào năm 2025. Phần lớn nguồn nước cấp của thành phố phụ thuộc vào nguồn nước của lưu vực sông Đồng Nai. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế cộng với tốc độ đô thị hóa của tỉnh thành dọc lưu vực sông diễn ra khá nhanh chóng đang gây ra nhiều thách thức cho công tác đảm bảo an ninh nguồn nước cho thành phố.
Bất lợi từ tác động kép
TPHCM là thành phố lớn nhất ở phía Nam Việt Nam với diện tích tự nhiên 2.095km2 và dân số gần 10 triệu người. Đây cũng là thành phố dẫn đầu cả nước về tốc độ đô thị hóa diễn ra trong không gian rộng lớn cả nội ô và vùng ven. Cụ thể, tốc độ tăng dân số bình quân 10 năm (1999 – 2009) là 3,5%, bằng 2 lần mức tăng dân số giai đoạn 1989 – 1999 và bằng 3,7 lần giai đoạn 1979 – 1989. Mật độ dân số thành phố là 3.399 người/km2, tăng 41,4% so với năm 1999. Trong đó, mật độ dân số các quận nội thành cao gấp 5 lần các huyện ngoại thành. Về phát triển công nghiệp, từ năm 1991 mới có 1 khu công nghiệp, nhưng đến năm 2015 đã có 14 khu công nghiệp, khu chế xuất và gần 30 cụm công nghiệp. Chưa kể, hàng ngàn các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa xen kẽ trong khu dân cư. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì thành phố đang phải đối mặt với những vấn nạn do quá trình đô thị hóa tạo ra. Và một trong số những tác động đó là ô nhiễm nguồn nước.
Hệ thống kênh, rạch TPHCM đang gia tăng ô nhiễm hữu cơ và hàm lượng vi sinh cao. Ảnh: CAO THĂNG
Trên thực tế, chất lượng nguồn nước có xu hướng xấu đi. Chất lượng nước hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai có hàm lượng vi sinh, dầu gia tăng. Tại nhiều vị trí đã vượt quy chuẩn. Hàm lượng ôxy hòa tan (DO) trong nước có xu hướng giảm. Đối với chất lượng nước trong hệ thống kênh rạch, đặc biệt là khu vực nội thành, xu thế gia tăng ô nhiễm hữu cơ và hàm lượng vi sinh rất cao. Đối với nước dưới đất, chất lượng nước các tầng chứa nước chính đang có xu hướng xấu đi, đặc biệt nước ở các khu vực gần các khu công nghiệp, các khu dân cư tập trung và các tầng chứa nước gần mặt đất. Mặt khác, mực nước của một số tầng chứa nước hạ thấp nhanh. Nhiều lúc nhiều nơi khai thác sử dụng nguồn nước rất lãng phí. Tỷ lệ thất thoát nước trong sử dụng còn cao trên 30%.
Nguồn nước bị ô nhiễm đang là nguyên nhân tác động xấu đến đời sống của người dân, đặc biệt là nơi chưa có mạng cấp nước sạch. Những nơi nguồn nước mặt ô nhiễm trầm trọng đang có tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng. Không chỉ vậy, thành phố còn được xếp là một trong 10 thành phố chịu tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu. Sự thay đổi điều kiện khí hậu đang làm cho chế độ mưa thay đổi, ngập lụt tăng vào mùa mưa, hạn hán khốc liệt vào mùa khô. Sự gia tăng mực nước biển sẽ gây ra ngập thành phố ngày càng tồi tệ. Tỷ lệ gia tăng nhiệt độ trung bình ở TPHCM trong những năm gần đây gần gấp đôi so với vùng phụ cận đồng bằng sông Cửu Long. Tính trung bình năm, mức tăng nhiệt độ trên khu vực các huyện ngoại thành là 0,3°C, trên khu vực nội thành là 0,4°C, tại trung tâm đô thị là gần 0,5°C. Diện tích đất của thành phố bị ngập úng tăng thêm 3% khi xảy ra ngập úng thông thường và 7% khi xảy ra ngập úng bất thường. Cường độ của những cơn bão nhiệt đới đổ bộ gần TPHCM cũng mạnh hơn.
Cần tăng cường quản lý nguồn nước
Để quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước, phòng chống rủi ro do nguồn nước gây ra, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển nguồn nước theo hướng bền vững như hoàn chỉnh quy hoạch phát triển không gian đô thị, các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các ngành nhằm đưa công tác phát triển thành phố hài hòa thân thiện với môi trường; triển khai có hiệu quả chương trình hành động về thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó quan tâm công tác quản lý tài nguyên nước; triển khai nhanh và có hiệu quả các chương trình, dự án liên quan đến quản lý và bảo vệ môi trường nước và tài nguyên nước; tăng cường nhận thức của cộng đồng về ý thức bảo vệ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước; khuyến khích áp dụng các kỹ thuật, công nghệ trong sử dụng nước để tiết kiệm nước; tiếp tục hoàn thiện về thể chế, tổ chức và cán bộ trong quản lý tài nguyên nước. Cho đến nay, cơ bản đã nghiên cứu và đánh giá làm rõ về trữ lượng, chất lượng các nguồn nước của thành phố. Đồng thời, đã ban hành nhiều quy định, chính sách nhằm quản lý hiệu quả nguồn nước của thành phố. Thành phố cũng đã lắp đặt hệ thống quan trắc và giám sát sự thay đổi về khối lượng, chất lượng các nguồn nước. Từ đó, làm cơ sở để phòng chống ô nhiễm, cải thiện chất lượng nguồn nước có hiệu quả…
Tuy nhiên, để nguồn nước phát triển bền vững cần phải tiếp tục cải tiến, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nguồn nước. Đặc biệt là các chính sách về bảo vệ chất lượng nguồn nước và khai thác sử dụng hợp lý; xây dựng quy hoạch tổng thể quản lý nguồn nước. Tăng cường hợp tác với các nước có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nguồn nước như Nhật Bản, Hà Lan, Pháp, Hàn Quốc để quản lý tốt nguồn nước của thành phố và ban hành các chính sách khuyến khích thu hút các nguồn lực cho quản lý nguồn nước của thành phố.
TS NGUYỄN VĂN NGÀ
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM
(SGGP)
Bình luận (0)