- 1 TP.HCM – Long Thành hướng tới mô hình đô thị song sinh
Ngày 27-6, tại hội thảo “Thúc đẩy kết nối Long Thành – TP.HCM” do Báo Tuổi trẻ tổ chức, các chuyên gia nhận định Long Thành không nên chỉ đóng vai trò là đô thị vệ tinh, mà cần được quy hoạch như một đối tác chiến lược với TP.HCM theo mô hình đô thị song sinh. Mô hình này, nếu được đầu tư bài bản, có thể hình thành một đại đô thị hiện đại kết nối sân bay – cảng biển – trung tâm tài chính, tạo động lực phát triển mới cho vùng Đông Nam bộ.
Nếu được quy hoạch bài bản và xác lập tầm nhìn phát triển vùng rõ ràng, Long Thành (Đồng Nai) hoàn toàn có thể trở thành “Phố Đông” của TP.HCM, hình thành cặp đô thị song sinh (twin city) đầu tiên của cả nước. Nhận định này được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo.

Theo TS.KTS Hoàng Hữu Phê (Viện Kiến trúc quốc gia), Long Thành không nên chỉ là đô thị vệ tinh mà cần trở thành đối tác chức năng với TP.HCM. Mô hình twin city giúp hai đô thị chia sẻ áp lực không gian, hạ tầng và dân cư, đồng thời cùng phát triển trên cơ sở bổ trợ thế mạnh cho nhau, như Thượng Hải – Phố Đông hay Hong Kong – Thâm Quyến.
TS. Phạm Văn Đại (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) ví Long Thành như Phố Đông bên bờ sông Đồng Nai, nếu biết tận dụng dòng sông như một trục phát triển vùng. Với dân số hơn 10 triệu người, TP.HCM đang dần hết dư địa tăng trưởng trong nội đô và cần một đô thị đủ lớn để giãn chức năng, trong khi Long Thành và Nhơn Trạch sở hữu quỹ đất dồi dào, vị trí chiến lược và kết nối hạ tầng thuận lợi.
Ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, nhận định Long Thành có đủ điều kiện để trở thành trung tâm hậu cần, công nghiệp và thương mại quốc tế. Việc quy hoạch khu thương mại tự do 8.300 ha sẽ giúp khu vực này thử nghiệm các mô hình thể chế linh hoạt, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, logistics và dịch vụ quốc tế – những chức năng mà TP.HCM đang muốn giãn ra vùng ven nhưng gặp khó về quỹ đất và cơ chế.

Ông Huỳnh Tấn Lộc – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh xác định hai trụ cột phát triển chính là hạ tầng giao thông và chuyển đổi số. Nhiều dự án giao thông trọng điểm đang được đẩy mạnh như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Bến Lức – Long Thành, và các tuyến vành đai 3, 4. Đồng thời, địa phương cũng đang định hướng phát triển giao thông công cộng hiện đại theo mô hình TOD, kết nối Long Thành với TP.HCM – Biên Hòa – Thủ Đức bằng metro và đường sắt.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để hình thành đô thị song sinh đúng nghĩa, cần vượt qua nhiều thách thức: đẩy nhanh tiến độ các tuyến giao thông chiến lược, đầu tư tuyến metro nối Sân bay Long Thành với TP.Thủ Đức, phát triển hạ tầng xã hội đồng bộ và quan trọng nhất là thiết lập một cơ chế điều phối vùng hiệu quả, có sự tham gia của cả Chính phủ, TP.HCM và Đồng Nai.
Ngoài ra, các chuyên gia đề xuất mở rộng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 của TP.HCM sang khu vực Đồng Nai, nhất là các dự án có tính liên kết vùng và sử dụng nguồn lực hỗn hợp. Điều này sẽ bảo đảm sự đồng bộ trong quy hoạch và phân bố chức năng, tránh tình trạng phát triển mất cân đối giữa hai địa phương.
Nếu tổ chức đúng hướng, TP.HCM – Long Thành không chỉ trở thành cặp twin city kiểu mẫu, mà còn góp phần định hình một đại đô thị hiện đại, kết nối sân bay – cảng biển – trung tâm tài chính, đưa vùng Đông Nam bộ trở thành cực tăng trưởng chiến lược mới của Việt Nam.
Thủy Phạm
Bình luận (0)