Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành kiểm tra 319 cơ sở khám chữa bệnh, làm đẹp, trong đó kiểm tra đột xuất 182 cơ sở. Ban hành 246 quyết định xử phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức, với tổng số tiền phạt 10.717.224.000 đồng.
Phòng mổ trái phép treo biển hiệu “Dr Đức Trọng” trong một căn hộ thuộc khu đô thị Vinhomes Grand Park. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM
Nhiều cơ sở massage lấn sân sang phẫu thuật
Thông qua công tác kiểm tra đột xuất, Sở Y tế TP ghi nhận 75 cơ sở có hành vi quảng cáo trái phép và 45 cơ sở khám chữa bệnh không phép. Sở cũng ra quyết định đình chỉ có thời hạn 44 cơ sở; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh tại 27 cơ sở và chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh đối với 44 cá nhân.
Ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết, thời gian qua trên địa bàn TP đã ghi nhận nhiều ca biến chứng do thẩm mỹ. Theo đó, Sở Y tế TP đã mời các chuyên gia đầu ngành thuộc một số lĩnh vực như phẫu thuật thẩm mỹ, ngoại khoa, gây mê hồi sức, nội khoa, hồi sức cấp cứu để nghiên cứu các bệnh án có vấn đề.
Địa bàn quận 10 được biết đến là khu vực tập trung nhiều cơ sở spa, massage. Tuy nhiên, một số cơ sở đã mở rộng lấn sân hoạt động sang tiêm filler và botox. Việc này dẫn đến nhiều ca tai biến thẩm mỹ nghiêm trọng, thậm chí có trường hợp tử vong. Trước tình hình này, UBND quận 10 đã phối hợp tăng cường kiểm tra và ra quân xử lý các cơ sở vi phạm.
Qua các vụ việc mà tổ công tác triển khai, các vụ việc được phát hiện, các quảng cáo sai sự thật tập trung vào những lĩnh vực như: phẫu thuật thẩm mỹ; thẩm mỹ ít xâm lấn (dễ lấn sân sang tiêm filler, botox, meso, nâng mũi bằng chỉ, căng da mặt); thẩm mỹ có sử dụng máy móc, thiết bị (giảm béo); thẩm mỹ vùng kín (nam khoa, phụ khoa); công nghệ tế bào gốc; đào tạo thẩm mỹ filler, botox, meso; nha khoa; dịch vụ y tế tại nhà như tiêm chích, truyền dịch; vận chuyển cấp cứu, bệnh mạn tính (suy giãn tĩnh mạch chi, mất ngủ)…
Ông Hồ Văn Hân – Chánh Thanh tra Sở Y tế TP – nhấn mạnh, các thách thức hiện nay bao gồm: số lượng quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội ngày càng gia tăng và phong phú; một bộ phận người dân mong muốn các dịch vụ y tế “đẹp, rẻ, nhanh và cam kết mạnh”; khó khăn trong việc phát hiện và nhận diện các quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng; phần lớn các quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh trên mạng xã hội không tuân thủ quy định. Những thách thức này đòi hỏi một cách tiếp cận mới, chủ động hơn để nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát.
Thành lập Tổ công tác đặc biệt “xử” cơ sở làm đẹp chui
Trước đó, ngày 15-4-2024, Giám đốc Sở Y tế đã ký quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt quản lý quảng cáo trái phép trong lĩnh vực y tế trên mạng xã hội để ưu tiên nguồn lực và tăng cường các giải pháp sáng tạo hướng đến hiệu quả cao hơn. Sự ra đời của tổ công tác đặc biệt đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả quản lý Nhà nước. Tổ công tác này tập trung nguồn lực từ các phòng: Quản lý hành nghề, Nghiệp vụ y, Nghiệp vụ dược, Công nghệ thông tin, Văn phòng sở, Kế hoạch tài chính, Thanh tra. Mục tiêu của tổ công tác là chuyển từ thế bị động sang thế chủ động trong quản lý. Tổ công tác giao ban mỗi sáng từ 7 giờ 30 đến 8 giờ, phản ứng nhanh, hoạt động 24/7, dùng truyền thông để đấu tranh với các hành vi sai trái trên mạng xã hội.
“Trước đây, chúng ta chỉ bắt đầu xử lý khi vụ việc đã xảy ra, nhưng nay tổ công tác đặc biệt chủ động rà soát và theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội, từ đó đấu tranh với những mặt trái của công tác quản lý. Tổ công tác đặc biệt không chỉ chủ động lắng nghe thông tin trên mạng xã hội mà còn sử dụng các công cụ hỗ trợ qua phần mềm, xây dựng các bộ từ khóa theo những vấn đề ưu tiên, tiếp nhận thông tin qua phản ánh trực tuyến, email, đường dây nóng và các sự cố y khoa. Thông qua những kênh thông tin này, các thành viên trong tổ công tác đặc biệt nhanh chóng xác minh, thu thập tài liệu và chứng cứ, đảm bảo đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả”, ông Hân nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hân, hiện nay số lượng quảng cáo về dịch vụ y tế trên mạng xã hội rất nhộn nhịp, nhiều cơ sở không đảm bảo điều kiện hành nghề đã lợi dụng việc này để qua mặt cơ quan chức năng. Điều này gây ra những rủi ro cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Do đó, cần tăng cường quản lý và giám sát hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, kiểm tra chặt chẽ chất lượng dịch vụ y tế được quảng cáo và nâng cao nhận thức của người dân về việc lựa chọn các cơ sở y tế uy tín.
Ông Dũng cũng lưu ý, các cơ sở có khoa thẩm mỹ và bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ phải đảm bảo về tính an toàn trong gây mê hồi sức, tuân thủ quy trình kỹ thuật, phải đánh giá toàn diện người bệnh; đặc biệt phải luôn tuân thủ 8 nhóm tiêu chí trong bộ an toàn phẫu thuật theo Quyết định 7482/QĐ-BYT 2018 của Bộ Y tế.
Phạm Chi
Bình luận (0)