Chợ đêm Bến Thành vẫn hoạt động theo chỉ đạo của UBND quận 1 trong khi chờ “khai tử
|
Có thể nói, TP.HCM là nơi có nhiều chợ đêm nhất trong cả nước, với đủ các chủng loại hàng hóa, từ quần áo, giày dép, hoa quả, dịch vụ ăn uống… Chợ đêm ở TP.HCM tuy không gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, nhưng cũng gây ít nhiều phiền hà cho người dân nơi thành phố, đặc biệt là tình trạng ùn tắc giao thông.
Sản phẩm trôi nổi, giá “trên trời”
Tâm lý chung của người mua hàng khi đến với chợ đêm vì muốn mua được hàng giá rẻ, phù hợp túi tiền hoặc sở thích “săn hàng độc”. Tuy nhiên, cũng có chợ đêm bán giá “trên trời”, mà chất lượng sản phẩm thì may nhờ rủi chịu. Chị Nhiên còn nhớ rất rõ cách đây không lâu, chị mua một bộ áo dài khăn đóng giá 430.000 đồng ở chợ đêm Bến Thành để tặng cho con gái của người thầy giáo ở Bang Kok nhân một lần đi công tác. Tuy nhiên, bộ đồ đó đã bị tưa vải ở các đường may ngay lần đầu cô bé mặc trong đám cưới của người cô ruột. Nhiên bực mình lắm khi biết mình bị mua lầm hàng kém chất lượng với giá cắt cổ. Vì một bộ đồ như vậy giá gốc ở chợ sỉ Tân Bình chỉ 100.000 đồng. Không chỉ có mình chị Nhiên, rất nhiều khách hàng cũng “ngán” chợ đêm Bến Thành vì “bán hàng giá trên trời, trả giá cỡ nào cũng dính”, bà Trần Thanh Nhàn nói như vậy sau một lần cùng con gái đi sắm đồ để chuẩn bị cho con đi du lịch hè. “Ghê thật, cái quần jeans nói giá 400.000, vậy mà trả 100.000 cũng bán luôn. Giá cả như vậy, cỡ nào mình cũng bị lầm”, bà Nhàn thuật lại với người viết và “hứa sẽ không dám mua đồ ở đó lần nào nữa”.
Gây nhiều phiền toái
Chợ đêm ở TP.HCM, đa phần là chợ tự phát, không có cơ quan chức năng quản lý, nên gây ít nhiều phiền phức cho khách hàng cũng như những hộ dân sống xung quanh đó. Có lần anh Trần Hữu Tuấn, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu may mặc vì đi chợ đêm mà mất hợp đồng giao thương quan trọng với đối tác ở nước ngoài. Số là anh đưa vợ con đi chợ đêm Hạnh Thông Tây (Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp) để thết đãi món cơm sườn mà vợ con yêu thích. Không may lúc chen lấn ở quầy anh Tuấn bị móc túi mất chiếc ví. Tiền bạc, giấy tờ tùy thân và cả hộ chiếu anh Tuấn mới lấy từ cơ quan về chưa kịp cất vào tủ cũng bị mất hết.
So với các chợ đêm có “tên tuổi”, thì chợ đêm dọc theo lòng đường Cách Mạng Tháng 8, trước Công viên Lê Thị Riêng lại là nguyên nhân gây kẹt xe thường xuyên. Theo người dân ở khu vực này, từ nhiều năm nay nơi này xuất hiện nhiều “cửa hàng di động”, các loại ốp lưng điện thoại, nữ trang bằng bạc, túi xách, giày dép, ví da và cả thức ăn được bày bán bất kể mưa nắng, gây khó khăn cho việc lưu thông của người dân. “Ngày nào cũng vậy, người ta bắt đầu bày biện hàng hóa từ lúc 3 giờ chiều đến 11 giờ đêm và thường gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Lực lượng chức năng cứ đuổi bên này thì họ lại bày bán bên kia, bị bắt hôm nay nhưng ngày mai vẫn bán tiếp”, bà Trang sống gần khu vực công viên bức xúc.
Những phiền toái trên không chỉ có ở chợ đêm tự phát, mà ngay cả mô hình chợ đêm có sự quản lý của cơ quan chức năng cũng vẫn tồn tại những hạn chế đó. Chợ đêm Kỳ Hòa nằm trên đường Cao Thắng nối dài là một ví dụ. Công ty Dịch vụ đô thị và quản lý nhà quận 10, đơn vị trực tiếp tổ chức quản lý chợ đêm Kỳ Hòa cùng với 230 tiểu thương dù muốn dù không đều phải chấp thuận theo quyết định chấm dứt chợ đêm của UBND quận 10 từ năm 2009, nhằm góp phần chỉnh trang đô thị, trả lại lòng lề đường thông thoáng, tránh ùn ứ gây kẹt xe ở khu vực trên.
Tiếp sau chợ đêm Kỳ Hòa, chợ đêm Bến Thành (nằm trên hai con đường Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh) cũng bị liệt vào danh sách ngừng hoạt động từ năm 2010. Chợ đêm Bến Thành ra đời từ năm 2002, với khoảng trên 300 sạp kinh doanh thủ công mỹ nghệ, quần áo may sẵn, phục trang truyền thống, giày dép, nữ trang, món ăn truyền thống ba miền… với kỳ vọng thu hút khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, theo thống kê, chợ đêm Bến Thành thu hút khoảng 4.000 lượt khách mỗi đêm (dự kiến trước đây từ 8.000-10.000 lượt), nhưng thực tế phần đông khách hàng chỉ đi tham quan chứ nhu cầu mua sắm không cao. Mặt khác hầu hết hàng hóa không có nhãn mác, lại được bán với giá cao gấp hai, ba lần so với các chợ khác nên chợ đêm này cũng dần mất khách.
Từ việc kinh doanh không hiệu quả, số tiền thuế thu được chỉ khoảng gần 200 triệu đồng mỗi năm, cùng với những bức xúc của người dân đã phản ánh như chợ họp ồn ào, không đảm bảo vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ, gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm nên UBND quận 1 đã quyết định chấm dứt hoạt động chợ đêm Bến Thành.
Bài, ảnh: Bích Vân
Điều chỉnh thời gian họp chợ
Chị Thanh Ngọc, một chủ sạp bán trang phục truyền thống cho hay sau 4 năm kể từ khi có quyết định ngừng hoạt động chợ đêm Bến Thành, cho đến nay chợ vẫn tồn tại bởi một số vướng mắc chưa được giải quyết ổn thỏa. Nên trước mắt, các tiểu thương theo sự chỉ đạo của UBND quận đã điều chỉnh thời gian họp chợ, không tập kết hàng hóa vào giờ cao điểm, chấp hành các nội quy về vệ sinh, an toàn thực phẩm, ATGT, phòng chống cháy nổ và đảm bảo giờ nghỉ ngơi của người dân xung quanh khu vực. Theo ông Nguyễn Văn Mỹ – Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt, muốn phát triển chợ đêm trở thành một thương hiệu của TP.HCM thì phải có sự nỗ lực từ nhiều phía, nhiều cơ quan, đồng thời, phải có những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, mới mong tạo ra một khu chợ đêm thực sự mang thương hiệu của thành phố này.
|
Bình luận (0)