Dự kiến trong 2 ngày tới, TP HCM sẽ bắt đầu thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay
Họp trực tuyến với lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM chiều 17-6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lực lượng chống dịch của TP khẩn trương điều tra dịch tễ, xác định các ổ dịch, các nguồn lây, quy mô để khoanh vùng thật gọn, thật chặt.
Không kéo dài giãn cách xã hội trên diện rộng
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết hiện nay, 7 doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp (KCN) ở TP có ca mắc Covid-19. Phần lớn mỗi nơi chỉ 1-2 ca mắc, chưa có dấu hiệu lây lan ra các nơi khác. Trong đó, 2 DN có tính chất giống nhau (chế biến hải sản, công nhân làm việc chung trong môi trường không gian lạnh và kín) nên có số lượng ca mắc lớn hơn với 6 và 11 ca… Các UBND cấp phường và cấp quận có ca nhiễm đã tạm ngừng dịch vụ không cấp bách, ngừng tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, chỉ nhận hồ sơ trực tuyến.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM, cho biết TP sẽ thành lập khoảng 100 đoàn để kiểm tra tất cả nhà máy, DN hoạt động trong KCN. Những nhà máy, DN lớn cần có phương án bố trí cho bộ phận công nhân nòng cốt ăn ở trong KCN hoặc có quy trình khép kín từ nơi ở trọ, ký túc xá, đưa đón đến nhà máy làm việc, sinh hoạt và đưa về. TP HCM đã chuẩn bị phương án điều trị cho 5.000 bệnh nhân nhưng phải sẵn sàng trang thiết bị điều trị bệnh nhân thở máy, có diễn biến nặng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác bảo quản 836.000 liều vắc-xin Covid-19 tại kho lạnh của Viện Pasteur TP HCM vào chiều 17-6. Ảnh: Hải Yến
Sau khi tiếp nhận 836.000 liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca, ông Dương Anh Đức cho biết TP HCM đã họp, lên phương án xác định các đối tượng ưu tiên, kế hoạch tiêm; phấn đấu tiêm cho 200.000 người/ngày, dự kiến từ ngày 19-6; đồng thời tăng cường năng lực xét nghiệm lên 30.000 mẫu/ngày.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh TP HCM là đô thị lớn; chính quyền, người dân đã trải qua quá trình thực tiễn chống dịch. Vì vậy, các quyết định giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa phải trên tinh thần cố gắng gọn nhất có thể. Mục đích của việc giãn cách xã hội là để làm chậm tốc độ lây lan của dịch, xác định các ổ dịch, các nguồn lây, quy mô nhằm khoanh thật gọn, thật chặt, phấn đấu không để tiếp tục kéo dài tình trạng giãn cách xã hội trên diện rộng. Phó Thủ tướng yêu cầu TP HCM phải "giữ bằng được" KCN bằng những biện pháp mạnh. TP HCM cần tăng cường xét nghiệm, cảnh báo để nhanh chóng phát hiện ca nhiễm trong 3 ngày đầu tiên, với các bài học kinh nghiệm chống dịch như tại Bắc Giang và Bắc Ninh.
Phó Thủ tướng lưu ý dù năng lực xét nghiệm của TP HCM rất tốt so với các địa phương khác nhưng với dân số 10 triệu người và rất nhiều KCN, TP phải có phương án tăng cường công suất xét nghiệm trong tình huống dịch xuất hiện trong KCN. Đặc biệt, công tác điều phối xét nghiệm phải bảo đảm thống nhất giữa các đơn vị tham gia, đáp ứng được tốc độ lấy mẫu, truy vết bắt kịp tốc độ lây của dịch. Tuyệt đối không để tình trạng xét nghiệm bị chậm, bị nhầm do công tác điều phối như đã xảy ra ở một số nơi. Nếu phát hiện ca nhiễm ở các nhà máy, xí nghiệp trong KCN, TP HCM cần hết sức chú ý đến các khu công nhân ở trọ có mật độ rất dày đặc khi thực hiện khoanh vùng, cách ly, phong tỏa.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, TP HCM cần khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn thí điểm cách ly các trường hợp F1 tại nhà, bảo đảm an toàn chặt chẽ về y tế cũng như quyền riêng tư của người dân, phù hợp điều kiện của TP trong tình huống có đông người bị nhiễm.
Huy động nhiều lực lượng tiêm chủng
Tại buổi kiểm tra công tác bảo quản 836.000 liều vắc-xin Covid-19 vừa được vận chuyển đến kho lạnh của Viện Pasteur TP HCM vào chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết dự kiến trong 2 ngày tới, TP HCM sẽ mở 1.000 điểm tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân.
"Được sự phân phối của Chính phủ và Ban Chỉ đạo tiêm chủng Covid-19 quốc gia, trong đợt này Việt Nam nhập về 966.300 liều vắc-xin cho toàn quốc, trong đó 836.000 liều được vận chuyển cho TP HCM" – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói. Bộ Y tế đã xây dựng hoàn tất kịch bản và trong 2 ngày tới sẽ hoàn thiện lại kịch bản để bàn bạc với lãnh đạo TP HCM cùng Ban Chỉ đạo TP để chuẩn bị sẵn sàng triển khai ở các điểm tiêm chủng. Chiến dịch tiêm chủng lần này sẽ diễn ra trong khoảng 5-7 ngày.
"Để thực hiện chiến dịch tiêm chủng này, không chỉ huy động lực lượng y tế ở TP HCM mà chúng tôi còn huy động cả lực lượng tuyến trung ương, bộ – ngành trên địa bàn TP. Một số bệnh viện quân đội, bệnh viện lực lượng công an, viện y học dự phòng quân đội cũng sẽ tham gia chiến dịch này" – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Với nguyên tắc và tinh thần tiêm chủng nhanh trong chiến dịch nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những người tham gia tiêm chủng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết vắc-xin được tiêm trong đợt này là của AstraZeneca, thời hạn sử dụng còn tương đối dài, bảo đảm an toàn cho chiến dịch tiêm chủng của TP HCM. "Hy vọng trong đợt tới, những tỉnh đang rất khó khăn trong đợt dịch này như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Tiền Giang… sẽ tiếp nhận được vắc-xin để ưu tiên đối với cả lực lượng sản xuất là công nhân nhằm bảo đảm an toàn trong sản xuất" – Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.
Kiều bào ủng hộ Quỹ Vắc-xin Chiều 17-6, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trao hơn 6,2 tỉ đồng là tiền đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Văn phòng Quốc hội Lào và cán bộ, công chức, viên chức Bộ Ngoại giao cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 và cuộc chiến chống Covid-19 tại các địa phương. Ngoài số tiền trên, trong những ngày qua, cộng đồng người Việt Nam với gần 30 tổ chức, hội nhóm tại Mỹ, Canada, Pháp… đã phát động chiến dịch "Chung tay vì Việt Nam" và "10.000 liều vắc-xin cho Việt Nam", sớm chuyển về nước nhằm hỗ trợ người dân, đặc biệt là các y – bác sĩ và những người đang làm việc ở tuyến đầu, vượt qua đại dịch Covid-19. D.Châu |
Thêm 515 ca Covid-19, riêng TP HCM có 137 ca Bộ Y tế cho biết ngày 17-6, Việt Nam ghi nhận thêm 515 ca Covid-19, gồm 12 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 503 ca trong nước ở Bắc Giang (327), TP HCM (137), Tiền Giang (13), Bắc Ninh (12), Bình Dương (7), Hà Tĩnh (4), Lạng Sơn (2), Nghệ An (1). Đây là ngày Việt Nam ghi nhận số ca mắc nhiều nhất kể từ khi dịch bùng phát. Đáng chú ý, số ca mắc mới ở TP HCM và Bắc Giang liên tục tăng nhanh. Tính từ khi dịch xuất hiện đến nay, nước ta ghi nhận 12.150 ca mắc Covid-19, trong đó 10.483 ca trong nước và 1.667 ca nhập cảnh. Trong ngày 17-6, thêm 63 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng số ca điều trị khỏi lên 4.653. Số ca tử vong hiện là 61. N.Dung |
Theo Ngọc Dung – Hải Yến/NLĐO
Bình luận (0)