Theo tính toán của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, trong năm nay sẽ nghiên cứu mở mới các tuyến xe buýt tại Bến xe Miền Đông mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành xe buýt, xây mới hoặc nâng cấp bến bãi nhằm góp phần cải thiện chất lượng loại hình vận tải hành khách công cộng trong thời gian sắp tới.
TP nỗ lực thay mới phương tiện nhằm thu hút hành khách tham gia VTHKCC bằng xe buýt |
Sẽ mở mới ít nhất 10 tuyến xe buýt
Theo mục tiêu của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP, trong năm 2018 sẽ phấn đấu gia tăng khối lượng vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) với con số 635 triệu lượt. Trong đó, khối lượng VTHKCC bằng xe buýt là 325 triệu lượt. Với mục tiêu “lấy hành khách, người dân là đối tượng phục vụ”, đơn vị sẽ nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí trợ giá. Đặc biệt sẽ nghiên cứu mở mới ít nhất 10 tuyến xe buýt mới nhằm tăng cường độ bao phủ mạng lưới và đẩy mạnh tính kết nối giữa các địa bàn cũng như nối kết giữa VTHKCC đường bộ và đường thủy.
Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, dự kiến trong năm nay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP sẽ tăng cường quy hoạch mạng lưới VTHK bằng xe buýt trên địa bàn TP đến năm 2030, đầu tư đổi mới phương tiện với Đề án đầu tư phương tiện giai đoạn 2018-2020, triển khai mở mới các tuyến xe buýt tại Bến xe Miền Đông mới nhằm kết nối các tuyến buýt đường sông, đổi mới mô hình quản lý của các hợp tác xã vận tải xe buýt hướng đến việc phát triển doanh nghiệp vận tải theo mô hình quản lý tập trung… Theo dự kiến, Bến xe Miền Đông mới sẽ được bố trí 11 tuyến xe buýt, trong đó tổ chức thêm 4 tuyến xe buýt mới là Bến xe Miền Đông mới – Bến xe Miền Đông cũ, Bến xe Miền Đông mới – Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, Bến xe Miền Đông mới – Long Thuận và Bến xe Miền Đông mới – cầu Phú Mỹ.
Song song với nỗ lực tăng cường quy hoạch mạng lưới, ngành giao thông TP sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong đó ưu tiên những hạng mục quan trọng như tổ chức làn xe ưu tiên và làn dành riêng cho xe buýt trên đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ, đề xuất tổ chức bãi giữ xe 2 bánh cho hành khách tại các bến xe buýt và khu vực cửa ngõ TP, phối hợp với các đơn vị bố trí điểm đón trả khách phục vụ các tuyến đưa rước học sinh – sinh viên và công nhân, đề xuất phương án kết nối các tuyến xe buýt thu gom với tuyến Metro số 1… Bên cạnh đó, việc phát triển các bến bãi mới phục vụ cho hoạt động VTHKCC cũng sẽ được đẩy mạnh ở các bến xe buýt Khu Chế xuất Linh Trung 2, Hóc Môn, Lê Minh Xuân, Tân Quy, Bến Súc, An Nhơn Tây, điểm trung chuyển hành khách xe buýt tại xã Phú Xuân.
Hành khách tăng sau khi thay mới phương tiện
Đó là tín hiệu vui sau 4 năm lượng hành khách đi xe buýt liên tục giảm. Thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho thấy, hiện TP đang quản lý 145 tuyến xe buýt với gần 3.000 xe buýt hoạt động. Tính đến thời điểm năm 2017, lượng hành khách đi lại bằng xe buýt đã tăng trở lại với khoảng 306 triệu lượt khách (tăng 6% so với năm 2016 và vượt 1% so với kế hoạch đã đề ra). Có được kết quả này, bên cạnh việc nâng cao chất lượng phục vụ, không thể không kể đến nỗ lực thay mới khoảng 60% xe buýt trên địa bàn TP. Tiêu biểu như 3 tuyến xe buýt mẫu được đầu tư mới phương tiện với kinh phí lên đến 235 tỷ đồng, đang hoạt động rất tốt, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng phương tiện cũng như chất lượng phục vụ. Đó là các tuyến số 03 (Bến Thành – Thạnh Lộc), tuyến 18 (Bến Thành – chợ Hiệp Thành), tuyến 33 (Bến xe An Sương – Suối Tiên – ĐH Quốc gia) đã được đưa vào sử dụng từ ngày 1-12-2017. Hài lòng với tuyến xe chất lượng số 33, nữ sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Linh (Trường ĐH KHXH&NV) khẳng định: “Em hoàn toàn yên tâm khi các chuyến xe buýt luôn đưa em đến trường đúng giờ, không còn xảy ra tình trạng chen lấn, móc túi. Đặc biệt xe mới rất sạch sẽ, chạy rất êm, có wifi miễn phí, camera và GPS giám sát hành trình rất hiện đại”.
Theo nhận định của ông Trần Chí Trung (Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM), các tuyến xe buýt mẫu hoạt động khá tốt và ổn định, đảm bảo các tiêu chí đã đề ra. Từ khi đưa các tuyến xe buýt mẫu đi vào hoạt động, đơn vị chưa từng nhận được ý kiến phản ánh về việc các xe buýt bỏ trạm, bỏ bến, phóng nhanh vượt ẩu, trễ giờ… Điều đáng mừng nữa là số lượng hành khách đi xe buýt của các tuyến xe buýt mẫu đang tăng lên từng ngày. Tiêu biểu như tuyến xe số 18 (Bến Thành – chợ Hiệp Thành), số lượng khách đã tăng thêm khoảng 900 lượt/ngày. Tín hiệu khả quan từ các tuyến xe buýt mẫu đã và đang trở thành động lực để Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP tiếp tục thực hiện thí điểm các tuyến xe buýt điểm và tiếp tục mở thêm các tuyến khác, nhằm thu hút hành khách tham gia lưu thông bằng phương tiện VTHKCC ngày một nhiều hơn.
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Bình luận (0)