- 1 TP.HCM: Mở rộng cấp cứu ngoại viện bằng xe hai bánh
Xe cấp cứu hai bánh là một trong những giải pháp nổi bật được áp dụng thời gian gần đây. Trong bối cảnh đô thị đông đúc, kẹt xe xảy ra thường xuyên, đặc biệt ở khu vực nội thành với hẻm nhỏ, xe cứu thương truyền thống không thể phát huy tối đa hiệu quả. Xe máy cấp cứu hai bánh, gọn nhẹ và linh hoạt, trở thành lựa chọn tối ưu để tiếp cận người bệnh trong những tình huống cấp bách.

Hết lòng vì bệnh nhân
Vào lúc 14 giờ 14 phút, tổng đài Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM nhận cuộc gọi thông báo một người phụ nữ khoảng 75 tuổi, sinh sống tại một con hẻm ở phường Cô Giang, quận 1, có biểu hiện tím tái, bất tỉnh sau khi ăn. Nhận định ban đầu của điều phối viên cho thấy đây là trường hợp ngưng tim, ngưng thở. Ngay lập tức, người gọi được hướng dẫn thực hiện thao tác ép tim qua điện thoại – một trong những biện pháp duy trì chức năng tuần hoàn trong thời gian chờ nhân viên y tế tiếp cận.
Đồng thời, Trung tâm Cấp cứu 115 kích hoạt điều phối khẩn cấp đến Trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Nhận thấy địa hình hiện trường nằm trong khu dân cư có đường nhỏ, đông đúc, trạm lập tức cử một ê-kíp gồm bác sĩ và điều dưỡng sử dụng xe cấp cứu hai bánh có mang thuốc và vật tư chuyên dụng tiếp cận hiện trường.
Vào lúc 14 giờ 23 phút, chỉ 9 phút sau cuộc gọi, ê-kíp đã có mặt tại địa điểm cấp cứu. Tại đây, người bệnh đang nằm bất tỉnh trước hiên nhà, trong khi người nhà vẫn thực hiện thao tác ép tim theo hướng dẫn qua điện thoại. Qua thăm khám ban đầu, ê-kíp xác định người bệnh đang trong tình trạng ngưng tuần hoàn hô hấp, nghi do hít sặc.
Ngay lập tức, thao tác hồi sinh tim phổi nâng cao được tiến hành tại chỗ: tiếp tục ép tim, bóp bóng hỗ trợ thở, đặt nội khí quản, tiêm 20 ống adrenalin và hút đàm. Cùng lúc đó, một ê-kíp cấp cứu thứ hai sử dụng xe bốn bánh cũng được điều động nhanh chóng đến hiện trường để phối hợp vận chuyển người bệnh đến cơ sở điều trị.
Đến 14 giờ 35 phút – sau 10 phút thực hiện hồi sinh tim phổi nâng cao – người bệnh có nhịp tim trở lại, máy điện tim ghi nhận nhịp xoang nhanh 140 lần/phút. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển lên xe cấp cứu và đưa về Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn để tiếp tục điều trị.
Tại bệnh viện, người bệnh được chăm sóc tích cực và hỗ trợ thở máy. Sau 10 ngày, người bệnh đã tỉnh táo, có thể tiếp xúc và đang được tiến hành cai máy thở. Diễn biến này cho thấy kết quả khả quan từ quá trình cấp cứu sớm, đúng quy trình và phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị y tế.
Trường hợp người bệnh ngừng tim được cứu sống nhờ sự kết hợp giữa hai phương pháp – hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại và triển khai xe cấp cứu hai bánh – một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của các giải pháp tổ chức cấp cứu linh hoạt. Khi can thiệp y tế trực tiếp chưa thể đến kịp, việc hướng dẫn từ xa thông qua điện thoại đã giúp duy trì chức năng tim trong “thời gian vàng”, tạo tiền đề để ê-kíp chuyên môn tiếp cận và xử lý kịp thời.
Câu chuyện không chỉ là một ca cấp cứu thành công mà còn phản ánh rõ nét mô hình cấp cứu ngoại viện chuyên nghiệp, linh hoạt mà TP.HCM đang từng bước xây dựng.
Mô hình cần được nhân rộng
Mô hình cấp cứu ngoại viện của TP.HCM không chỉ dừng lại ở việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng hơn là khả năng điều phối tình huống hiệu quả. Việc lựa chọn phương tiện phù hợp – trong trường hợp này là xe cấp cứu hai bánh – được tính toán dựa trên đặc điểm địa hình, mật độ dân cư, điều kiện giao thông tại thời điểm tiếp cận hiện trường.
Thay vì chỉ trông chờ vào xe cứu thương truyền thống, các trạm cấp cứu vệ tinh đóng vai trò như “vệ tinh” phản ứng nhanh, có thể xử lý tại chỗ, giành lại thời gian sống cho người bệnh trước khi di chuyển đến bệnh viện. Đây là minh chứng rõ nét cho việc TP.HCM đang từng bước chuyên nghiệp hóa công tác cấp cứu ngoại viện, với định hướng lấy tốc độ và tính chính xác làm nền tảng.
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, hệ thống cấp cứu ngoại viện hiện nay bao gồm Trung tâm Cấp cứu 115 và mạng lưới 39 trạm cấp cứu vệ tinh trải khắp các quận, huyện. Các trạm này được bố trí tại các bệnh viện đa khoa và bệnh viện tuyến quận nhằm đảm bảo phân bổ đều lực lượng, tăng tính cơ động và khả năng phản ứng nhanh tại địa phương.
Bên cạnh đó, vai trò của tổng đài 115 – nơi tiếp nhận và điều phối các cuộc gọi cấp cứu – ngày càng được nâng cao. Không chỉ là điểm tiếp nhận thông tin, tổng đài còn đóng vai trò hướng dẫn sơ cứu bước đầu, điều phối phương tiện và nhân lực, đồng thời theo dõi tình trạng bệnh nhân trong suốt quá trình cấp cứu cho đến khi bàn giao tại bệnh viện.
Tình huống vừa qua cũng thể hiện rõ sự hiệu quả của hệ thống này. Từ thời điểm cuộc gọi đầu tiên đến khi người bệnh có nhịp tim trở lại chỉ diễn ra trong khoảng 20 phút – một con số đáng chú ý trong cấp cứu ngừng tuần hoàn. Đây không chỉ là thành quả của thiết bị y tế hay kỹ thuật hồi sức, mà còn là kết quả của một hệ thống điều phối khoa học, sát thực tế và phù hợp với điều kiện đô thị Việt Nam.
Trường hợp này cũng là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc phổ cập kiến thức sơ cấp cứu cho cộng đồng. Hướng dẫn ép tim qua điện thoại chỉ phát huy hiệu quả khi người tiếp nhận đủ bình tĩnh và nắm được kỹ năng cơ bản. Vì thế, việc mở rộng các chương trình huấn luyện sơ cứu cho người dân, đặc biệt là những người sống cùng người già, người có bệnh nền, là điều nên được quan tâm trong thời gian tới.
Việc cứu sống một người ngưng tim không còn chỉ là khả năng của bác sĩ tại bệnh viện. Đó là chuỗi hành động liên tục – từ người gọi cấp cứu, điều phối viên hướng dẫn, ê-kíp y tế cơ động, cho đến phương tiện phù hợp – tất cả cùng phối hợp để đưa người bệnh trở về từ lằn ranh sinh tử.
Thủy Phạm
Bình luận (0)