Hướng nghiệp - Tuyển sinh

TP.HCM muốn được chủ động chọn tiếng Anh làm môn thi tuyển sinh 10

Tạp Chí Giáo Dục

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, việc được chủ động lựa chọn môn thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là môn tiếng Anh sẽ giúp thành phố thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đặc thù của thành phố, đặc biệt phù hợp với việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học theo yêu cầu Kết luận số 91 của Bộ Chính trị.

Học sinh lớp 9, Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) trong giờ học tiếng Anh

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT (thay thế Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT). Theo dự thảo, Bộ GD-ĐT dự kiến 2 phương án tuyển sinh THPT, là xét tuyển và thi tuyển. Cụ thể:

Xét tuyển: Căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình GDPT cấp THCS hoặc chương trình GDTX cấp THCS của đối tượng tuyển sinh. Nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó; Thi tuyển: Số lượng môn thi là 3 môn gồm: toán, ngữ văn và 1 môn thi do Sở GD-ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình GDPT cấp THCS.

Trao đổi với phóng viên Giáo dục TP.HCM về phương án thi tuyển sinh THPT, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, nhiều năm nay TP.HCM đã ổn định kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với 3 môn thi toán, ngữ văn và tiếng Anh, được phụ huynh học sinh và xã hội đồng thuận cao. Việc chọn môn tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được Sở GD-ĐT TP đánh giá ở nhiều phương diện, không chỉ là một môn học trong chương trình GDPT mà còn phù hợp với đặc thù của một thành phố lớn nhất cả nước trước yêu cầu về hội nhập quốc tế cao.

Từ năm 2014, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đã được TP.HCM tiên phong đổi mới tiếp cận dần theo hướng đánh giá năng lực học sinh thông qua việc đưa các vấn đề thực tiễn cuộc sống vào đề thi. Điều chỉnh này đã tác động đến việc dạy học và kiểm tra đánh giá của các nhà trường và giáo viên ở tất cả các môn học trong chương trình chứ không chỉ dừng ở 3 môn thi tuyển sinh. Bởi để học sinh có thể giải quyết các vấn đề thực tiễn trong đề thi thì các em phải có kiến thức nền tảng và những hiểu biết thực tiễn. Học sinh không thể học lệch, học tủ mà đòi hỏi học phải đi đôi với hành, học phải gắn kiến thức với giải quyết vấn đề cuộc sống.

“Chính việc đổi mới kỳ thi theo hướng tiếp cận đánh giá năng lực học sinh từ sớm đã trở thành thuận lợi cho TP.HCM khi triển khai Chương trình GDPT 2018 cũng như chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018. Thầy cô và học sinh đã có sẵn nền tảng, sẵn sàng tiếp cận kỳ thi đầu tiên theo chương trình mới”.

Hơn thế, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP, đối với TP.HCM việc chọn tiếng Anh làm môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trong nhiều năm nay còn nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đặc thù của thành phố về triển khai dạy học ngoại ngữ cho học sinh phổ thông thành phố theo quyết định của UBND TP, thực tế đã mang lại hiệu quả cao cho việc dạy và học tiếng Anh tại các nhà trường.

“Hiện nay, thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị về yêu cầu “tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học”, TP.HCM đã được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ là địa phương tiên phong đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. UBND TP.HCM cũng đã yêu cầu ngành giáo dục nghiên cứu từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, do đó, TP.HCM mong muốn được chủ động lựa chọn môn thi thứ 3 là môn tiếng Anh cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025 và các năm tiếp theo” – lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị.

Từ năm 2014, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đã được TP.HCM đổi mới theo hướng đánh giá năng lực học sinh

Nhà trường đồng thuận môn thi thứ 3 là tiếng Anh

Các trường học ở TP.HCM đều mong muốn tiếng Anh được lựa chọn làm môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Điều này được đánh giá không chỉ giúp ổn định kỳ thi cho học sinh, nhà trường, nhất là khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 với nhiều điểm mới mà còn phù hợp với mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2.

Theo thầy Trần Văn Luyện – Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng (quận 5), trong Kết luận số 91 của Bộ Chính trị với chủ trương đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Tại TP.HCM, các chương trình, đề án của thành phố cũng hướng tới việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh thành phố, đáp ứng theo yêu cầu của một thành phố hội nhập.

Do vậy, việc tiếng Anh là môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh 10 là hết sức phù hợp, cần thiết và mang hiệu quả lâu dài chứ không chỉ dừng ở việc hạn chế học sinh học lệch, học tủ.

“Nhiều năm nay, TP.HCM luôn coi tiếng Anh là nền tảng giúp học sinh thành phố có lợi thế cạnh tranh để hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả nguồn nhân lực thành phố và cả nước, vì thế tiếng Anh được đưa vào nhà trường hết sức đa dạng, phong phú thông qua nhiều mô hình, giải pháp, phù hợp với nhiều đối tượng học sinh. Chính vì thế, tiếng Anh là môn thi thứ 3 là hết sức phù hợp, không chỉ phù hợp với chủ trương mà còn có lợi cho học sinh…” – thầy Luyện phân tích.

Thầy Ngô Văn Lộc – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), kiến nghị Bộ GD-ĐT nên tiếp tục duy trì môn tiếng Anh là môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Điều này, theo thầy Lộc là phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế không thể thiếu môn tiếng Anh, và đặc biệt là sẽ tạo tâm lý ổn định cho học sinh, phụ huynh.

“Những xáo trộn trong thi cử là điều không nên có vì sẽ tạo thêm áp lực và tâm lý bất an cho học sinh, phụ huynh và cả giáo viên” – thầy Lộc nói thêm.

Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Bình Thạnh cho biết, 100% giáo viên của trường đều đồng thuận với việc chọn tiếng Anh là môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 bởi xuất phát từ chủ trương, thực tế của TP.HCM

Hiệu trưởng này nhấn mạnh, đương nhiên, không phải chỉ khi là môn thi thì học sinh mới học và thầy cô mới dạy tốt nhưng việc thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh 10 sẽ khuyến khích và tác động việc dạy và học trong trường. Đồng thời tác động đến việc thầy cô, cán bộ quản lý phải nâng cao năng lực, trình độ tiếng Anh; phụ huynh có sự quan tâm hơn… Và những điều này hỗ trợ rất hiệu quả chủ trương đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)