Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe học sinh từ bữa ăn bán trú

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng, năm học 2024-2025, ngành giáo dục TP.HCM tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao thể lực, thể trạng cho học sinh thành phố, trong đó quan tâm đặc biệt về chất lượng bữa ăn bán trú, nhằm chăm sóc tốt nhất sức khỏe học sinh và đáp ứng yêu cầu mỗi học sinh thành phố phải biết chơi 1 môn thể thao.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng 

Đồng bộ nhiều thành tố

Trao đổi với phóng viên về mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho học sinh thành phố trong năm học 2024-2025, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng cho hay, năm học này ngành giáo dục sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ kết hợp nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả Quyết định 1660/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, quan tâm các giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh trong trường học; công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học; tổ chức bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng, hợp lý; tuyên truyền giáo dục, chăm sóc sức khỏe học đường… Đặc biệt chú trọng đến công tác tổ chức bữa ăn bán trú, giáo dục thể chất. Mỗi nhà trường sẽ căn cứ vào đối tượng, đặc thù học sinh của trường, tùy theo độ tuổi để xây dựng các giải pháp cụ thể, phù hợp, hướng tới nâng cao thể lực, thể trạng học sinh.

“Ở bậc mầm non, tiểu học, các giải pháp về chăm sóc sức khỏe học sinh phải có tính đặc thù so với bậc trung học, từ việc chăm sóc y tế cho đến dinh dưỡng bữa ăn học đường, các hoạt động thể dục thể thao tại trường. Từng nhà trường cần quan tâm vận dụng hiệu quả bộ thực đơn dinh dưỡng của Bộ GD-ĐT để đa dạng thực đơn trong bữa ăn bán trú cho học sinh tại trường, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm” – ông Dũng phân tích.

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu nhà trường tạo điều kiện để ban đại diện cha mẹ học sinh cùng tham gia đóng góp ý kiến nâng cao chất lượng trong tổ chức bữa ăn bán trú

Lãnh đạo Sở GD-ĐT nhấn mạnh, công tác chăm sóc sức khỏe học đường cho học sinh ngoài yếu tố dinh dưỡng, đảm bảo an toàn trong bữa ăn bán trú thì cần phải được kết hợp tăng cường các hoạt động thể lực cho học sinh tại trường học. Bên cạnh các giờ học giáo dục thể chất, nhà trường cần đẩy mạnh đa dạng hoạt động các CLB thể dục thể thao, tạo điều kiện và khuyến khích học sinh tham gia theo nhu cầu, sở thích. Điều này sẽ vừa đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học, vừa hướng tới mục tiêu chung của TP.HCM là mỗi học sinh biết chơi 1 môn thể thao.

“Từ năm 2022, TP.HCM đã triển khai Ngày thể thao học sinh vào chủ nhật hàng tuần. Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh phong trào thể thao học đường tại mỗi nhà trường. Năm học này, Ngày thể thao học sinh sẽ tiếp tục được ngành giáo dục thực hiện, nhằm nâng cao thể lực, thể trạng của học sinh thành phố, đáp ứng mục tiêu giáo dục rèn luyện học sinh trong bối cảnh hội nhập ngày càng cao”.

Khuyến khích ban đại diện cha mẹ học sinh cùng giám sát bữa ăn bán trú

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng nhìn nhận, để công tác chăm sóc sức khỏe học đường cho học sinh đạt hiệu quả cao nhất cần đến vai trò phối hợp với nhà trường và ngành giáo dục từ phía gia đình và cả xã hội. Ban đại diện cha mẹ học sinh trong lớp, trong trường cần phát huy vai trò của mình trong việc phối hợp cùng nhà trường chăm lo sức khỏe học sinh; có những tham vấn, góp ý với nhà trường trong tổ chức bữa ăn bán trú; cùng nhà trường giám sát về công tác tổ chức bữa ăn bán trú, chất lượng bữa ăn bán trú trong suốt năm học.

Đặc biệt, ông Dũng nhấn mạnh, Sở GD-ĐT luôn sẵn sàng tiếp nhận những thông tin phản ánh của phụ huynh, học sinh về chất lượng bữa ăn bán trú tại các trường học trên địa bàn thành phố, xem đây là kênh hữu ích để ngành giáo dục nâng cao hơn nữa công tác kiểm tra giám sát, nâng cao hơn nữa chất lượng tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, chăm sóc sức khỏe học sinh.

TP.HCM nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe học sinh từ bữa ăn bán trú

Ông bày tỏ mong muốn phụ huynh học sinh thành phố hãy thẳng thắn trao đổi, góp ý, phản ánh trực tiếp với nhà trường, với ngành giáo dục về chất lượng bữa ăn bán trú, cùng ngành nâng cao hơn nữa hiệu quả chăm sóc sức khỏe học sinh.

“Có phản ánh, góp ý về bữa ăn bán trú, phụ huynh học sinh hãy trực tiếp trao đổi với nhà trường. Nếu đã trao đổi rồi mà tình hình vẫn không được cải thiện thì phụ huynh hãy phản ánh trực tiếp về phòng giáo dục, Sở GD-ĐT để xác minh, chấn chỉnh…” – ông Dũng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nêu rõ, chất lượng bữa ăn bán trú luôn được phụ huynh học sinh và xã hội đặc biệt quan tâm. Do đó, ông yêu cầu các nhà trường phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong tổ chức bữa ăn bán trú sao cho tương xứng với mức thu đã được thỏa thuận với phụ huynh học sinh. Việc công khai, giải trình với phụ huynh về chất lượng bữa ăn bán trú phải được sát sao hơn qua nhiều hình thức, như: công khai thực đơn bữa ăn; tạo điều kiện để ban đại diện cha mẹ học sinh được cùng tham gia đóng góp ý kiến trong tổ chức bữa ăn bán trú; truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kiểm tra nguồn nguyên liệu đầu vào với những bếp ăn tại trường; tổ chức các lớp học mở để phụ huynh được cùng ăn, cùng giám sát công tác tổ chức, phục vụ bữa ăn bán trú tại trường lệch ca, lệch giờ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

“Trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra đầu năm học của ngành giáo dục thành phố, việc kiểm tra công tác tổ chức bữa ăn bán trú là một trong những nội dung luôn được đặc biệt quan tâm. Bên cạnh phối hợp với Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức các đoàn kiểm tra bếp ăn, căng tin ở các trường học trên địa bàn thành phố, ngành giáo dục cũng triển khai những cuộc kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất công tác tổ chức bán trú ở trường học dựa trên nắm bắt dư luận cũng như những phản ánh của phụ huynh học sinh để kịp thời có những chấn chỉnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho học sinh” – ông Dương Trí Dũng thông tin thêm.

Yến Hoa

Bình luận (0)