Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Nâng cao năng lực tư vấn dinh dưỡng cho nhân viên y tế

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sở Y tế TP.HCM vừa phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam tổ chức khai giảng lớp tập huấn “Tư vấn về dinh dưỡng và hoạt động thể lực cho người mắc tăng huyết áp và đái tháo đường” dành cho nhân viên y tế cơ sở.


Quang cảnh buổi tập huấn (Hình: Sở Y tế TP.HCM)

Tham dự và phát biểu tại lớp tập huấn, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định cùng với hoạt động khám sức khỏe người cao tuổi, thu thập thông tin khám vào cơ sở dữ liệu để quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở, tiến tới tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử thì hoạt động tư vấn về dinh dưỡng và hoạt động thể lực cho người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường sẽ góp phần quan trọng trong hiệu quả điều trị bệnh, góp phần chăm sóc tốt hơn cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi trên địa bàn TP.

Hiện tại, ngành Y tế TP đang tham gia góp ý dự thảo Luật Phòng bệnh trong đó hoạt động tư vấn dinh dưỡng và vận động thể lực là một nội dung quan trọng trong công tác phòng bệnh.

Đồng thời, Sở Y tế sẽ tiếp tục đề xuất các chính sách thanh toán bảo hiểm y tế cho hoạt động tư vấn dinh dưỡng khi khám chữa bệnh. Những hoạt động trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại tuyến y tế cơ sở, qua đó tạo thêm niềm tin và thu hút người dân đến khám chữa bệnh tại trạm y tế.

Theo Sở Y tế TP, trong thời gian qua, ngành y tế TP đã triển khai nhiều hoạt động trong lĩnh vực y tế dự phòng, khám chữa bệnh ban đầu, quản lý các bệnh không lây nhiễm nhằm chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân TP.

Đặc biệt, sau đợt triển khai thí điểm khám sức khỏe và tầm soát các bệnh không lây nhiễm cho người cao tuổi đang sinh sống tại TP.HCM, ghi nhận tăng huyết áp và đái tháo đường là 2 bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất trong mô hình sức khỏe của người cao tuổi (tương ứng chiếm 52,3% và 15,0%).

Các bệnh không lây nhiễm phổ biến có chung 4 yếu tố nguy cơ, đó là: hút thuốc, thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu, bia và chế độ ăn không hợp lý.

Theo khuyến cáo của WHO, thay đổi lối sống (bao gồm một chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất hợp lý) có thể giúp ngăn ngừa, trì hoãn bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường, góp phần đạt hiệu quả điều trị bằng thuốc, giảm thiểu các biến chứng do bệnh gây ra.

Bộ tài liệu “Hướng dẫn tư vấn can thiệp dinh dưỡng và hoạt động thể lực cho người bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp” hướng đến đối tượng học viên là các bác sĩ, y sĩ, cử nhân dinh dưỡng… đang công tác khám chữa bệnh ban đầu tại trung tâm y tế và trạm y tế.

Mục tiêu của chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng tư vấn trong quá trình khám chữa bệnh và quản lý các bệnh không lây tại tuyến cơ sở, đây cũng là một dịch vụ tăng thêm nhằm thu hút được người bệnh đến khám tại các đơn vị y tế tuyến cơ sở.

Nội dung chương trình tập huấn bao gồm: yếu tố nguy cơ, nguyên nhân, điều trị bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp bằng thuốc, dinh dưỡng, vận động thay đổi lối sống; cách thức tính toán được nhu cầu năng lượng, nhu cầu các chất dinh dưỡng, xây dựng thực đơn nhanh, gọn chính xác và phù hợp với cá thể; và hướng dẫn các kỹ năng tư vấn cho bệnh nhân.

Lớp tập huấn đợt đầu tiên kéo dài gần 3 tháng, từ tháng 9 đến tháng 11-2023, cho 50 học viên đến từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP, 10 trung tâm y tế và 26 trạm y tế trên địa bàn TP.

Các học viên vừa học lý thuyết vừa thực hành để vận dụng trong quá trình tư vấn, điều trị, hướng dẫn người bệnh, người nhà của người bệnh cũng như người dân các giải pháp can thiệp dinh dưỡng và hoạt động thể lực hợp lý cho bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)