Dù số người chết do tai nạn giao thông trên địa bàn TP.HCM đã được kéo giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Trước tình hình này, ngành giao thông vận tải TP đã triển khai thực hiện nhiều dự án nâng cấp hạ tầng giao thông góp phần hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông.
Ý thức chưa cao
Tai nạn giao thông ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, ý thức của người tham gia giao thông hiện nay chưa cao.
Theo ông Hồ Công Bình – Phó Trưởng công an quận Bình Tân cho biết, qua phân tích đánh giá cho thấy, các nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông tập trung vào các lỗi như: Không chú ý quan sát; không làm chủ tốc độ; không nhường đường; không đi bên phải theo chiều đi của mình; sử dụng rượu bia… Đặc biệt, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị của một bộ phận người dân còn hạn chế.
“Đối tượng gây tai nạn giao thông chủ yếu là xe mô tô 2 bánh, chiếm 87,5%. Theo số liệu thống kê, mỗi năm Công an quận Bình Tân đăng ký mới trên 22.000 xe mô tô, xe máy có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở xuống”, ông Bình cho biết.
Ông Hồ Phương – Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho hay, đa số các vụ tai nạn đều do người điều khiển phương tiện giao thông không làm chủ tay lái và không chú ý quan sát.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân người điều khiển giao thông không đúng làn, phần đường quy định; chuyển làn không đúng quy định; sử dụng rượu bia. Điều này cho thấy ý thức tự giác chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn rất hạn chế, dẫn đến hậu quả thiệt hại tính mạng, tài sản cho chính bản thân và người khác.
“Ngoài ra, văn hóa, thói quen đi lại, nếp sống văn minh đô thị của người tham gia giao thông vẫn chưa cao. Vẫn còn nhiều người thiếu ý thức cố đi ngược chiều, không đúng phần đường của mình, không nhường đường, chạy vượt đèn đỏ dẫn đến ùn tắc giao thông, tăng nguy cơ tai nạn giao thông”, ông Phương nói.
Nâng cấp hạ tầng giao thông
Bên cạnh ý thức của người tham gia giao thông thì việc hạn chế, khiếm khuyết về hạ tầng giao thông cũng là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến đường nhỏ, hẹp, chưa được nâng cấp, mở rộng, không đáp ứng được lưu lượng phương tiện đông. Có thể kể đến một số tuyến đường như: Nơ Trang Long, Lê Quang Định, Phan Văn Trị, Ung Văn Khiêm, Bình Quới… Thời gian xảy ra tai nạn chủ yếu vào các buổi chiều tối.
Để giảm ùn tắc giao thông cũng như hạn chế số vụ tai nạn, TP.HCM đã triển khai nhiều dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường, nhất là ở những tuyến đường có lưu lượng phương tiện giao thông đông đúc.
Ông Nguyễn Thành Lợi – Phó Trưởng ban chuyên trách, Ban An toàn giao thông TP.HCM cho biết, thời gian qua TP.HCM đã khởi công một số hạng mục, gói thầu thuộc các dự án giao thông trọng điểm góp phần giảm ùn tắc giao thông, hạn chế tai nạn giao thông. Những dự án như: Vành đai 3 TP.HCM; xây dựng nút giao thông An Phú; xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy; xây dựng mở rộng Quốc lộ 50.
Ngoài ra, TP cũng nâng cấp đường Trần Văn Mười; xây dựng mới cầu Tân Kỳ Tân Quý. “Hiện chúng tôi tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm như xây dựng hầm chui tại nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ; xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa; xây dựng nút giao thông An Phú…”, ông Lợi thông tin.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đang triển khai chương trình chuyển đổi số lĩnh vực giao thông vận tải phù hợp với chương trình “Chuyển đổi số của TP.HCM” và “Chương trình chuyển đổi số Bộ Giao thông Vận tải đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM phát huy hiệu quả Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị trong công tác quản lý, điều hành giao thông, đẩy mạnh đầu tư, mở rộng mạng lưới camera giám sát giao thông hiện đại để kiểm soát tình trạng giao thông. |
Ông Nguyễn Kiên Giang – Phó Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM thông tin, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Sở Giao thông Vận tải TP phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông theo chủ đề Năm An toàn giao thông 2024 “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.
“Chúng tôi tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, thu hút, nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Đặc biệt, chúng tôi còn ứng dụng internet, mạng xã hội, tuyên truyền trực quan thông qua bảng quảng báo, biển quảng cáo trong hành lang đường bộ”, ông Giang cho biết.
Theo ông Giang, hiện Sở Giao thông Vận tải TP cũng đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, cấp bách theo đúng kế hoạch và chỉ đạo của TP. Trước mắt, TP cố gắng đưa vào vận hành khai thác tuyến metro số 1 trong năm 2024 và khởi công xây dựng tuyến metro số 2 trong năm 2025.
“Chúng tôi đã trình thông qua chủ trương đầu tư, phê duyệt các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng như: Vành đai 2 (đoạn 4), Vành đai 4; Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ”, ông Giang thông tin.
Hồ Trinh
Bình luận (0)