Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM nên mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Vấn đề này được ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý tại Hội nghị triển khai đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Hội nghị diễn ra sáng 12-7 tại TP.HCM.


Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong nghị quyết mới thay Nghị quyết 53 phải xác định mục tiêu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ phải đạt mục tiêu cao hơn mục tiêu cả nước đặt ra. Trước hết, đây phải là đầu tàu thật mạnh để vừa đóng góp, vừa là “đầu kéo” của cả nước. Hơn nữa, nghị quyết này là định hướng để hoàn thiện quy hoạch vùng, đòi hỏi cần khẩn trương thực hiện.

Ông Phan Văn Mãi cũng mong các địa phương thống nhất vai trò, sứ mệnh của mình trên cơ sở lợi thế và thấy được nhiệm vụ trọng tâm của từng địa phương trong vùng. Và trên cơ sở này, hội đồng vùng sẽ được thành lập với các thành phần phù hợp.

“Hội đồng vùng phải theo dõi, xác định mục tiêu, trách nhiệm thực hiện khi những nguồn lực chưa được huy động đúng tiến độ. Từ các phát sinh tiếp tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý ngay. Đồng thời, xác định những chương trình, dự án trọng điểm, đề ra cơ chế tài chính, huy động nguồn lực để thực hiện hiệu quả công việc. Việc phân cấp, phân quyền, cơ chế vùng phải mạnh để các địa phương có điều kiện tổ chức thực hiện”, ông Phan Văn Mãi cho hay.

Đối với TP.HCM, ông Phan Văn Mãi mong Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm việc sớm thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM. Hiện TP.HCM đã hoàn thiện đề án báo cáo thường trực Chính phủ, đây là việc rất khó, cần phải hoàn thiện định hình mô hình, hoàn thiện pháp lý để vận hành và phải có luật cho phép. Trung tâm Tài chính quốc tế hình thành không chỉ mang lại các giá trị cho TP.HCM, cho vùng trọng điểm phía Nam mà còn cho cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong vùng Đông Nam bộ, TP.HCM là cực tăng trưởng, là trung tâm lớn nhất, là yếu tố quyết định cho sự phát triển của vùng. Do đó, TP.HCM và vùng Đông Nam bộ phải định hình lại cơ hội phát triển.


Ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội nghị

Vùng này không chỉ nên so sánh trong nước mà phải so sánh với quốc tế mới xứng tầm, do đó phải nghiên cứu sâu hơn, nêu rõ quan điểm, những mục tiêu mới, cơ chế mới gì cho vùng, cho TP.HCM, trên cơ sở đó đề xuất những cơ chế phát triển.

Mặt khác, phải đặt vai trò, vị trí trong bối cảnh mới, vận hội mới để làm mới sứ mệnh của mình, từ đó đặt ra quan điểm phải phát triển cao hơn, nhanh hơn, mạnh hơn.

Về mục tiêu tăng trưởng, cần tính toán tốc độ phát triển của TP.HCM là bao nhiêu và phải có cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị đưa vào nghị quyết. Cũng cần báo cáo, làm rõ các điểm nghẽn, nút thắt cần giải quyết về đất đai, phát triển đô thị, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, hạ tầng kinh tế -xã hội, nhân lực, đổi mới sáng tạo…

“Đã đến lúc TP.HCM coi phát triển là ưu tiên hàng đầu để ổn định. Đây là vấn đề rất lớn, các đồng chí nên nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách mới để phát triển”, ông Nguyễn Chí Dũng góp ý.

Vùng Đông Nam bộ bao gồm 6 tỉnh thành: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm các tỉnh vùng Đông Nam cùng với tỉnh Long An và Tiền Giang.

Vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của các vùng chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.


Toàn cảnh hội nghị

Giai đoạn 2016-2020, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5,65%/năm, vùng Đông Nam Bộ tăng trưởng 5,51%/năm, trong khi cả nước tăng 5,99%/năm. Điều này làm giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế cả nước. Ngoài ra, vai trò đầu mối xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước cũng giảm dần, cả tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu so cả nước.

Một thời gian dài các vùng chủ yếu phát triển theo chiều rộng. Việc sử dụng các nguồn lực cho phát triển chưa hiệu quả, việc chuyển sang phát triển theo chiều sâu đã được các địa phương trong vùng thực hiện nhưng giá trị tạo ra chưa đủ lớn để tạo nên sự phát triển mang tính đột phá.

Các địa phương trong vùng còn có sự chênh lệch lớn về quy mô kinh tế. TP.HCM chiếm trên 50% GRDP của vùng, các địa phương còn lại chiếm tỷ trọng thấp. Sự tăng trưởng chậm lại của TP.HCM cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của vùng.

N.Trinh

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)