'Không thể đổ thừa cho khách quan. Thực tế, là do công tác quản lý, lỗ hổng từ kỹ thuật, từ phương pháp luận, lỗ hổng từ tiêu chuẩn, từ quy hoạch, chứ không phải lỗ hổng từ ông trời.''
Trận mưa lớn kéo dài 2 giờ chiều hai hôm trước đã gây ngập nặng 59 tuyến đường của TP HCM khiến giao thông rối loạn, hàng loạt nhà dân và cửa hàng bị nước tràn vào, nhiều bãi đỗ trong sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập làm hàng chục chuyến bay phải chuyển hướng.
Trận lụt lịch sở lần này đến quá bất ngờ, lụt sâu trên diện rộng khiến người dân tại TP. HCM không kịp trở tay, cuộc sống hàng ngày vì thế cũng bị đảo lộn.
TP.HCM ngập lụt lịch sử. Ảnh: Kate Tran |
Gần đây, trên mạng xã hội đã chuyền tay nhau đoạn clip nước chảy trên đường tại TP HCM không khác gì lũ ở vùng cao. Nước chảy siết đến mức cuốn trôi nhiều phương tiện giao thông. Người dân đã phải vật lộn với dòng nước dữ để bảo vệ tài sản của mình.
Sự thật phũ phàng
Trước hiện tượng trên, TS Phạm Sanh – chuyên gia giao thông cho rằng, khi mực nước ngập tăng lên do mưa lớn, tạo dòng chảy trên đường, hai lề đường tạo thành vách, con đường khi ấy biến thành kênh.
Lúc này nước chảy trên đường cũng giống như trong kênh, với một vận tốc nào đó khi gặp vật cản, hố sâu, ổ gà thì sẽ tạo ra xoáy nước chảy xiết có thể cuốn trôi nhiều phương tiện giao thông.
''Thế giới cũng rất sợ vấn đề này, bình thường con đường rất hiền lành, nhưng khi nó biến thành con kênh thì rất dễ gây ra thiệt hại về người, tài sản. Hiện tượng này ở TP. HCM cũng mới xảy ra lần đầu tiên.
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc hay ở miền Trung khi xảy ra lũ lớn cũng xuất hiện hiện tượng này. Khi xảy ra hiện tượng đường biến thành kênh, đúng ra TP. HCM cần phải cấm đường, không cho người dân lưu thông, vì rất nguy hiểm'' – TS. Sanh lưu ý.
Nêu ý kiến khách quan về nguyên nhân dẫn đến trận lụt kinh hoàng chiều ngày 26/9 tại TP. HCM, vị chuyên gia phân tích: ''Nguyên nhân khách quan là do ông trời (cười). Thực ra trận mưa vừa qua không phải là kỷ lục, nếu coi lại lịch sử thì có những trận mưa lớn gấp 3, 4 lần như thế này.
Chính vì vậy, không thể đổ thừa cho khách quan được. Thực tế, là do công tác quản lý, lỗ hổng từ kỹ thuật, từ phương pháp luận, lỗ hổng từ tiêu chuẩn, từ quy hoạch, chứ không phải lỗ hổng từ ông trời.''
Liên quan đến sự kiện trên, đề cập đến gói chống ngập gần 10.000 tỷ mà TP.HCM vừa triển khai, TS. Phạm Sanh nhấn mạnh, dự án này mới chỉ chống ngập do triều dâng, chưa có chống ngập do mưa lớn.
Tại TP. HCM ngập do 3 yếu tố chính: Do triều cường, do mưa lớn thoát nước không kịp và triều cường kết hợp mưa lớn, nếu không tính toán hết các yếu tố thì xây dựng xong TP.HCM vẫn ngập. Chính vì vậy lãnh đạo TP và cơ quan báo chí đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào giải pháp 10.000 tỷ này
Bàn về giải pháp để có thể giải quyết vấn đề ngập lụt hiện nay tại TP. HCm, TS. Phạm Sanh thẳng thắn nói:
''Chưa bàn tới vấn đề giải pháp. Cần phải đưa ra phương pháp luận, khi mà phương pháp luận chưa được thống nhất thì sẽ kéo theo giải pháp, lộ trình, dự án sai. Cần nói đến việc tiêu chuẩn ống nước của Bộ xây dựng đã đúng chưa.
Bản thân TP. HCM toàn sử dụng các loại cống nhỏ, không có kênh mương dự trữ, không có hồ điều tiết, không có hệ thống cống ngầm… Khi giải quyết được những vấn đề này thì hãy bàn tới giải pháp.''
Nguyên nhân do đâu?
Sáng 27/9, trao đổi với báo chí về trận mưa lớn khiến Sài Gòn ngập nặng chiều 26/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết:
''Cá nhân tôi rất chia sẻ với người dân trong cơn mưa chiều qua phải gánh chịu tình trạng ngập nặng như vậy. Đứng về phía chính quyền TP, chúng tôi đang tìm những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Các dự án chống ngập thì đã và đang triển khai.''
Ông Phong chia sẻ, TP HCM đang rất nỗ lực để chống ngập nhưng thực tế có những việc không thể giải quyết nhanh được.
''Trận mưa hôm qua tôi thấy tình trạng ngập sẽ rất là nặng nề. Vừa rồi Thường trực ủy ban đi khảo sát thực tế ở các quận thì thấy nước ngập ở TP mình nặng do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân mưa, có nguyên nhân do triều cường, cũng có nguyên nhân do quản lý.''Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Phong cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, thời gian qua việc quản lý các công trình thoát nước của TP HCM cũng còn có vấn đề.
Sau các cuộc khảo sát thực tế của Thường trực UBND, trong thời gian tới đây UBND TP HCM sẽ có cuộc họp để có những giải pháp thật sự quyết liệt để chống ngập.
Người đứng đầu TP. HCM cho rằng, kinh nghiệm rút ra trong việc chống ngập thời gian vừa qua là phải có sự đồng bộ trong các giải pháp.
''Hôm rồi tôi đi kiểm tra dự án chống ngập đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân. Cùng với dự án này đang triển khai thì TP cũng có dự kiến triển khai những dự án khác.
Như vậy sự phối hợp phải đồng bộ, về mặt hạ tầng chứ không riêng gì việc chống ngập. Trong quản lý của TP phải hết sức chú ý tính đồng bộ trong phát triển hạ tầng'', ông Phong nhấn mạnh.
Châu Giang/ PNO
Bình luận (0)