Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

TP.HCM ngập vì hộp xốp, túi ni lông…

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đó là câu chuyện được ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị chia sẻ trong buổi thực địa dự án chống ngập 10.000 tỉ của Đoàn giám sát HĐND TP.HCM.

Rác nhét đầy miệng thu nước là một trong những nguyên nhân chính gây ngập TP. Ảnh: Ngọc Dương

Cống mới thông đã nghẹt rác
Trước lo ngại của các thành viên Đoàn giám sát HĐND TP về hiệu quả của dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỉ), ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, thông tin ngoài nhiệm vụ kiểm soát triều, dự án chống ngập 10.000 tỉ còn giúp giảm mực nước, hỗ trợ thoát nước phía trong TP. Nhưng để dự án phát huy tốt nhất vai trò, cần kết hợp với hệ thống thoát nước đô thị tốt, đồng bộ thoát trong, bơm ngoài mới có thể giải quyết bài toán ngập cho TP.HCM.
Tuy nhiên ông Dũng cho biết ngoài vấn đề hệ thống cống cũ đã xuống cấp, không đáp ứng đủ năng lực tiêu thoát, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến nghẽn đường nước chảy chính là việc người dân xả rác bừa bãi.
"Có lần chúng tôi vừa làm xong đường cống mới to, rộng hôm trước, hôm sau ngay trong trận mưa đầu mùa tuyến đường đó ngập. Vội vàng xuống kiểm tra thì thấy bên trong lòng cống toàn hộp xốp, túi ni lông… chặn dòng thoát nước. Người dân TP thường có thói quen vứt rác tràn lan trên vỉa hè, lề đường, bỏ rác ở trước miệng thu nước. Rác thải từ miệng thu theo mưa trôi xuống gây nghẹt cống. Nếu thói xấu này không giảm, kể cả nạo vét cống hằng ngày cũng không thể "chống đỡ" nổi" – ông Dũng quan ngại.
Trước đó, câu chuyện "siêu" máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh "hết phép" do rác thải gây tắc nghẽn hệ thống cống thoát nước, khiến nước không về, máy bơm không hoạt động cũng gây nhiều tranh cãi. Nhiều loại rác thải với kích thước lớn như gạch, đá, tấm ván dài hơn 1 m, nhiều khúc cây nằm chắn ngang cùng nhiều bao tải chứa cát, rác, sợi dây dù quấn thành bó được vớt lên ngay sau khi Trung tâm Chống ngập vừa tổ chức nạo vét, khơi thông tuyến cống này khiến chủ đầu tư – Công ty CP Tập đoàn Quang Trung – phải đề nghị cơ quan công an vào cuộc làm sáng tỏ vì nghi ngờ có kẻ cố tình phá hoại.

Rác thải tràn ra đường Hồ Xuân Hương, Q.3 (TP.HCM). Ảnh: Khả Hòa

Cơ cấu lại việc thu gom rác
Theo các chuyên gia, thực tế hiện nay, việc thu gom rác tại TP.HCM có rất nhiều bất cập nên người dân có thói quen để rác tràn lan ra đường. Thậm chí, miệng các hố thu nước nghiễm nhiên trở thành các bãi tập kết rác. Mưa xuống, rác thải, túi ni lông cứ thế theo dòng trôi thẳng vào các cống thoát nước, là một trong những nguyên nhân chính khiến đường sá ngập lụt nặng nề. Chưa kể những người thu gom ve chai có thói quen lục trong các túi rác, rồi vật nuôi bới tung thêm, ảnh hưởng rất nhiều đến mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường.
Do đó, ngoài việc thay đổi nhận thức, ý thức của người dân thông qua việc tuyên truyền, cần phải có chế tài mạnh đối với hành vi vứt rác bừa bãi. Bên cạnh đó, chính quyền TP cần cải thiện chất lượng quản lý, tổ chức trong việc thu gom, vận chuyển rác thải.
PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, hiến kế để tổ chức khâu thu gom rác, cần có sự phối hợp tốt giữa cơ quan quản lý, đơn vị thu gom và người dân. Có quy định rõ ràng, phân chia theo từng vùng. Khu vực này sẽ thực hiện thu gom rác vào ngày này, trong khung giờ từ bao nhiêu đến bao nhiêu. Người dân bỏ rác sớm hơn hay muộn hơn, ngoài khung giờ quy định sẽ phải đóng phạt. Ngược lại, đơn vị thu gom không đến đúng giờ cũng sẽ phải có chế tài xử phạt.

Theo Hà Mai/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)