Ngày 17/10, đỉnh triều tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn sẽ vượt mức báo động III. Đặc biệt, trường hợp xảy ra mưa lớn kết hợp với triều cường, đỉnh triều có thể tăng cao hơn dự báo.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, ngày 17/10, đỉnh triều tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn sẽ vượt mức báo động III, đạt 1,66m và tại trạm Nhà Bè trên sông Đông Điền đạt 1,68m (gần tương đương mức đỉnh triều kỷ lục năm 2014: 1,7m). Đặc biệt, trường hợp xảy ra mưa lớn kết hợp với triều cường, đỉnh triều có thể tăng cao hơn dự báo.
Dự kiến thời gian triều cường xuất hiện từ 17g-18g và từ 4g- 5g. Những ngày kế tiếp triều cường sẽ xuống nhưng vẫn còn ở mức rất cao. Cụ thể, ngày 18/10, tại trạm Phú An: 1,63m, trạm Nhà Bè: 1,65m; ngày 19/10, cả hai trạm Phú An và Nhà Bè cùng đạt: 1,55m. Trong khi đó, ngày 16/10, với đỉnh triều đạt 1,61m tại trạm Phú An và 1,63m tại trạm Nhà Bè, theo ghi nhận của chúng tôi hàng loạt tuyến đường ở TP.HCM đã ngập nặng.
Ảnh minh họa. Internet |
Trong đó, ngập nặng nhất là đường Lương Định Của (Q.2) và đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7) với độ sâu từ khoảng 0,3-0,5m. Tương tự, các tuyến đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Trần Xuân Soạn (Q.7), tỉnh lộ 10 (Q.Bình Tân), Quốc lộ 50 (nối Q.8 với huyện Bình Chánh)… cũng ngập khoảng từ 0,3m-0,4m.
Cơn mưa lớn kéo dài vào chiều 16/10 kết hợp với triều cường đã làm hàng loạt tuyến đường tại TP.HCM ngập sâu. Đến khoảng 18g cùng ngày người dân vẫn vất vả dầm mưa lội ngập trên các tuyến đường như Quốc lộ 13, Hiệp Bình, Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức), Nguyễn Xí, Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh)… Tại đường Nguyễn Xí, nước ngập đến 0,5m khiến xe cộ chết máy.
Trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, ùn ứ giao thông kéo dài. Tại khu vực Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), nước tràn vào nhà dân, các phương tiện chết máy, nhiều người dân té ngã tại những đoạn nước sâu. Các tuyến đường Võ Văn Ngân, Lê Văn Việt, Tô Ngọc Vân, Tăng Nhơn Phú, Đỗ Xuân Hợp nước ngập lênh láng trong cơn mưa khiến xe cộ chết máy. Nước chảy thành dòng quật ngã nhiều người đi đường.
Tại Xa lộ Hà Nội đoạn chân cầu Rạch Chiếc nước ngập lút nửa xe. Hàng trăm người nối nhau kéo dài vì xe chết máy, mỗi lần có xe lớn qua sóng nước hai bên cuồn cuộn khiến nhiều phương tiện bị hất ngã xuống nước. Các cống thoát tại khu vực này bị quá tải trào ngược bung nắp cống. Hàng trăm xe bị chết máy phải dắt lên cầu đợi sửa khiến giao thông ùn tắc kéo dài hàng trăm mét từ trạm thu phí Xa lộ Hà Nội đến chân cầu Rạch Chiếc.
Trước tình hình trên, đại diện Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn (CHPCLB) TP.HCM cho biết, vừa có văn bản gửi UBND 24 quận, huyện và một số sở, ngành liên quan chỉ đạo sẵn sàng ứng phó ngập úng. Trong đó, Ban CHPCLB lưu ý bảy quận, huyện có nguy cơ vỡ bờ bao gây ngập nặng gồm: Q.12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn kiểm tra kỹ bờ bao, cống, cửa ngăn triều… kịp thời phát hiện tu sửa những vị trí xuống cấp.
Đồng thời chuẩn bị sẵn cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải, cát… xử lý ngay khi xảy ra ngập. Trong thời gian triều cường đạt đỉnh, lực lượng phòng chống lụt bão các địa phương phải luôn túc trực để ứng phó, giúp đỡ người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại ngập úng do triều cường gây ra.
Phan Trí / TPO
Bình luận (0)