Chiều 10-10, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã thông tin về tình trạng ùn tắc giao thông ở các tuyến đường trên địa bàn quận Gò Vấp cũng như giải pháp kéo giảm.
Thời gian gần đây, các tuyến đường xung quanh quận Gò Vấp như đường Nguyễn Thái Sơn, ngã 5 Nguyễn Thái Sơn, Hoàng Minh Giám, Dương Quảng Hàm… liên tục xảy ra ùn ứ giao thông với chiều hướng ngày càng phức tạp.
Về vấn đề này, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, hiện nay việc lưu thông từ các huyện Củ Chi, Hóc Môn và quận 12, Gò Vấp về trung tâm TP.HCM và ngược lại đều phải đi qua một số tuyến đường như Trường Chinh, Cộng Hòa, Nguyễn Kiệm, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Thái Sơn, Phan Văn Trị.
Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường này đang vượt quá khả năng thông hành do lượng phương tiện tập trung quá lớn vào giờ cao điểm. Dẫn đến thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, nguy cơ xảy ra ùn tắc là rất lớn nếu trong thời gian cao điểm xảy ra tình trạng trời mưa, ngập nước, cây xanh ngã đổ, xe chết máy, tai nạn giao thông, mất điện dẫn đến mất đèn tín hiệu giao thông…
Để giải quyết vấn đề này, Sở Giao thông Vận tải đã triển khai nhiều giải pháp để phát huy hết khả năng đáp ứng của kết cấu hạ tầng giao thông hiện có. Tuy nhiên, do lượng phương tiện rất lớn vào giờ cao điểm nên việc ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên xảy ra.
Theo Sở Giao thông Vận tải, để đảm bảo việc lưu thông tại khu vực, sở này đã nghiên cứu một số giải pháp điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến đường này và khu vực các tuyến đường xung quanh, bao gồm Nguyễn Thái Sơn, Phạm Ngũ Lão, đường Nguyễn Kiệm…
Theo đó, phương án nghiên cứu đối với đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) điều chỉnh tổ chức 1 chiều lưu thông theo hướng từ đường Nguyễn Kiệm đến đường Phạm Ngũ Lão. Đối với đường Nguyễn Kiệm (đoạn từ đường Nguyễn Thái Sơn đến đường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp) tổ chức lưu thông 2 chiều cho xe 2 bánh và 1 chiều xe ô tô theo hướng từ đường Phạm Ngũ Lão đến đường Nguyễn Thái Sơn.
Ngoài ra, tổ chức đèn tín hiệu giao thông linh hoạt, tự động điều chỉnh thời lượng đèn theo mật độ xe trên đường; tăng cường bố trí lực lượng cảnh sát giao thông tại các nút giao thông quan trọng như Nguyễn Thái Sơn – Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm, Hoàng Minh Giám – Đặng Văn Sâm, Hoàng Minh Giám – Đào Duy Anh… để điều tiết giao thông. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đi ngược chiều, không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, lấn tuyến…
Sở Giao thông Vận tải cho biết thêm, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở Giao thông Vận tải) sẽ tổ chức họp lấy ý kiến từ các đơn vị có chức năng vào ngày 16-10, nhằm tạo được sự đồng thuận trước khi điều chỉnh tổ chức giao thông tại khu vực này. Ngoài ra, hiện trên đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) đang triển khai dự án nâng cấp mở rộng đường.
“Vì vậy, việc ùn ứ giao thông trên tuyến đường này là không thể tránh khỏi và mong người dân chia sẻ và đồng cảm cho ngành giao thông. Theo tiến độ dự án này dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024, khi đó sẽ giảm áp lực trên đường Phan Văn Trị và Nguyễn Thái Sơn” – Sở Giao thông Vận tải thông tin.
Đầu tư đường nối từ Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM – Trung Lương theo hình thức PPP
Liên quan đến dự án đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Sở Giao thông Vận tải cho biết dự án xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương được UBND TP.HCM giao Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh) làm nhà đầu tư theo Hợp đồng BOT số 3233 năm 2016.
Tuy nhiên, do Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và doanh nghiệp dự án (Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP.HCM – Trung Lương) vi phạm nghiêm trọng việc thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng BOT đã ký kết; UBND TP.HCM đã “thống nhất đề nghị của nhóm công tác liên ngành và các sở ngành liên quan tại các công văn trên về chủ trương thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng BOT dự án xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương…”.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn thủ tục đơn phương chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT đã ký kết. Đồng thời yêu cầu xử lý dứt điểm các thủ tục liên quan đến hợp đồng BOT này và tiếp tục triển khai đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). UBND TP.HCM đã giao Sở Giao thông Vận tải thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án này theo hình thức đối tác công tư (PPP); theo kế hoạch dự kiến phấn đấu khởi công dự án PPP mới trong năm 2025.
Nhật Huy
Bình luận (0)