Sáng 5-8, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phối hợp với Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại TP.HCM đã tổ chức tọa đàm khoa học “Nghiên cứu đề xuất giải pháp khuyến khích các nguồn lực xã hội phát triển văn hóa nghệ thuật trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2021 – 2035”.
Tọa đàm nhận được 11 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học uy tín, các nhà quản lý, tư vấn, hoạch định chính sách có nhiều năm kinh nghiệm và doanh nhân.
Tất cả các tham luận đều tập trung phân tích, khái quát thực trạng, kết quả đạt được trong hoạt động văn hóa nghệ thuật của TP.HCM những năm qua. Từ đó nghiên cứu, đề xuất những giải pháp gắn với thực tiễn, huy động các nguồn lực trong xã hội giúp cho công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật được tốt hơn trước thời cơ và những thách thức.
Đồng thời định hướng những cách làm mới, cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hoạt động xã hội hóa trong hoạt động nghệ thuật hiệu quả, trong những năm trước mắt cũng như lâu dài.
Theo ThS-NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, xã hội hóa hoạt động văn hóa nói chung, văn hóa nghệ thuật nói riêng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Hoạt động xã hội hóa ngày càng đi vào thực tiễn cuộc sống và đã đạt được những thành tựu, nhất là trong các lĩnh vực: Bảo tàng, di sản văn hóa, thư viện, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả bước đầu, xã hội hóa hoạt động văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế về công tác chỉ đạo, sự lúng túng trong trong triển khai, thiếu đồng bộ, đôi khi còn tự phát, chưa đều giữa các lĩnh vực và còn phụ thuộc vào điều kiện của từng nơi.
“Điều quan tâm nhất đó là từ chủ trương, chính sách đã có phải làm thế nào để thực tiễn hóa thành những giải pháp khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Câu hỏi đặt ra là với cơ chế, chính sách đang có đã thực sự thúc đẩy, khuyến khích, thu hút được các nguồn lực trong xã hội đầu tư cho văn hóa, nhất là với lĩnh vực hoạt động nghệ thuật hay chưa?”, bà Thúy trăn trở.
Bà Thúy cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, những thành quả rất tích cực đạt được, TP.HCM vẫn đứng trước những thách thức và hạn chế trong việc huy động nguồn lực xã hội ở TP.HCM cho hoạt động văn hóa, trong đó có hoạt động văn học, nghệ thuật đã và đang đặt ra. Lực lượng lao động chưa được tiếp cận các kỹ năng và chuyên môn phù hợp để thích ứng, vận hành hiệu quả các mô hình tổ chức, kinh doanh trong thời đại công nghệ. Cơ sở vật chất, các thiết chế hiện đại tầm quốc tế, các tổ hợp giải trí đa chức năng còn thiếu. Tình trạng vi phạm bản quyền, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn tồn tại, bất cập. Các cơ chế chính sách, ưu đãi về thuế… chưa tạo động lực để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa. Vì vậy, nguồn lực xã hội phải được tạo mọi điều kiện để đầu tư, để thu hút.
Ngày 1-12-2022, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã ban hành Quyết định số 2940/QĐ-SVHTT về việc phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu đề xuất giải pháp khuyến khích các nguồn lực xã hội phát triển văn hóa nghệ thuật trên địa bàn TP, giai đoạn 2021 – 2035”.
“TP.HCM là trung tâm văn hóa nghệ thuật hàng đầu của đất nước. Mọi giải pháp, cơ chế chính sách nếu được đề xuất và áp dụng thành công ở TP.HCM sẽ mở ra cơ hội và điều kiện cho tất cả các tỉnh thành trong cả nước tham khảo và vận dụng”, bà Thúy nhấn mạnh.
Hồ Trinh
Bình luận (0)