Đông đảo HS THPT tham gia cuộc thi “Đi xe đạp – Vì môi trường văn hóa giao thông” do Sở GD-ĐT phối hợp với Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức |
Bên cạnh những giờ học trên lớp, học sinh – sinh viên (HS-SV) TP.HCM luôn được tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động, phong trào nhằm rèn luyện kỹ năng và phát triển nhân cách. Nhiều hoạt động, sân chơi truyền thống đã trở thành nét riêng thu hút sự quan tâm của đông đảo HS-SV.
Đó là nhận định được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác HS-SV năm học 2014-2015 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vừa qua.
Nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích
Năm học 2014-2015, ngành GD-ĐT thành phố đã tiến hành đa dạng và phong phú các nội dung trong công tác giáo dục biển đảo, giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho HS-SV. Toàn ngành đã thực hiện nhiều cuộc vận động quyên góp bằng các hình thức khác nhau cho HS vùng biển đảo như vận động tặng thiết bị, đồ dùng dạy học cho huyện đảo Lý Sơn; vận động quyên góp xây dựng trường học ở Côn Đảo; xây tặng trường học ở đảo Song Tử Tây. Ngoài ra, chương trình quyên góp SGK “Sách trao tay, tặng ngay vé cổng” đã quyên góp được 6.997 bộ SGK, 10.440 quyển SGK lẻ, 17.550 quyển tập trắng, 98 máy tính, 150 cặp sách… tặng cho các HS có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học ở vùng sâu vùng xa.
Trong công tác giáo dục và rèn luyện HS-SV, các trường học đã có nhiều giải pháp hay nhằm phát huy, khuyến khích sự sáng tạo của các em, định hướng cho các em lối sống lành mạnh, đúng đắn trước tác động của các trang mạng xã hội, trò chơi trực tuyến.
Đại diện Trường THPT Trần Phú cho biết, nhà trường đã chủ động và kịp thời nắm bắt những thông tin dư luận xấu dễ gây ảnh hưởng tới HS, từ đó tổ chức các buổi nói chuyện với các em nhằm điều chỉnh, phản hồi những thông tin dư luận không chính xác để không gây hoang mang hay ảnh hưởng xấu tới suy nghĩ của các em. Và để bảo vệ HS trước sự tác động của hàng loạt trang mạng xã hội, nhà trường đã tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa giúp các em nhận biết cách tiếp nhận và xử lý thông tin, có suy nghĩ độc lập để không bị kéo theo những trào lưu, tư tưởng xấu. Trong khi đó, Trường TH-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm tổ chức nhiều buổi sinh hoạt kỹ năng giúp HS quản lý stress, kỹ năng sử dụng mạng xã hội, cách xử lý tình huống khi gặp người lạ, bị cướp giật hoặc tai nạn giao thông. Ngoài ra, HS trong trường còn được tham gia các buổi nói chuyện giáo dục giới tính, bảo vệ sức khỏe vị thành niên, tình yêu tuổi học trò để tránh những ngộ nhận ở tuổi mới lớn…
An toàn của HS phải đặt lên hàng đầu
Rất nhiều trường học khuyến khích HS nghiên cứu khoa học kỹ thuật |
Công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống các dịch bệnh luôn được các trường học trên địa bàn TP.HCM chú trọng quan tâm. Sở GD-ĐT đã có nhiều văn bản hướng dẫn các trường trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh (Trưởng phòng Công tác HS-SV), trong đợt kiểm tra giám sát mới đây cho thấy nhiều trường học còn nhiều tồn tại trong vấn đề này. Các tồn tại chủ yếu là chưa có giấy phép chứng nhận ATVSTP, nhân viên chưa được tập huấn công tác ATVSTP, nhân viên thực phẩm chưa được khám sức khỏe, hàng hóa nhập không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, trang thiết bị vệ sinh chưa đạt chuẩn… “Nhiều trường học sử dụng suất ăn sẵn nhưng chưa có thiết bị hâm nóng thức ăn cho HS, còn tận dụng hành lang để cho HS ăn trưa gây mất thẩm mỹ và mất vệ sinh trong trường học. Sở GD-ĐT yêu cầu các trường học chỉ nhận suất ăn từ những cơ sở sản xuất xuất trình được giấy chứng nhận ATVSTP, thực phẩm chế biến có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho HS. Trong năm học 2015-2016, nếu trường nào để xảy ra các vấn đề về ATVSTP, Sở GD-ĐT sẽ có biện pháp xử lý đối với lãnh đạo đơn vị đó”, ông Minh cho biết. Được biết, hiện toàn ngành có 1.620 bếp ăn tập thể trường học và 2.821 trường học có suất ăn sẵn đặt từ 313 cơ sở sản xuất thức ăn.
Đối với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các trường phải kiểm định và đưa tiêu chí an toàn cho HS lên hàng đầu. “Hiện có rất nhiều tổ chức bên ngoài liên kết với các trường để tiếp cận HS. Nhiều hoạt động mang tính chính trị được tổ chức dưới dạng tài trợ, sinh hoạt ngoại khóa… Vì vậy, khi tổ chức hoạt động nào, lãnh đạo trường cần phải xác định được tính pháp lý của đơn vị thực hiện hoạt động đó, phải kiểm định nội dung chương trình và phải theo sát rà soát tư tưởng của HS không để tình huống xấu xảy ra”, ông Minh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Linh Vy
Triển khai chương trình “Áo dài học đường” Tại hội nghị, Sở GD-ĐT TP.HCM đã yêu cầu các trường khi may đồng phục cho HS phải đáp ứng các tiêu chí sau: Phù hợp với lứa tuổi và hoạt động học tập của HS, phù hợp với địa phương và khi thực hiện phải có được sự đồng thuận của phụ huynh. Các trường THPT cần khôi phục việc cho HS mặc áo dài vào các giờ chào cờ thứ hai hàng tuần. Sắp tới, để hướng tới việc xây dựng thương hiệu “Thành phố áo dài”, có 6 quận được triển khai chương trình “Áo dài học đường” gồm Q.1 (Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa), Q.5 (Trường THPT Trần Khai Nguyên, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), Q.9 (Trường TH-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm), Q.Tân Phú (Trường THPT Nhân Việt), Q.Phú Nhuận (Trường THCS-THPT Hồng Hà), Q.Tân Bình (Trường THPT Thái Bình, Trường TH-THCS-THPT Trương Vĩnh Ký). |
Bình luận (0)