Ngoài 2 bộ môn tiếng Anh và tin học, năm học 2023-2024, TP.HCM tiếp tục nhân rộng triển khai lớp học số ở bậc tiểu học với các môn mỹ thuật, âm nhạc, đồng thời triển khai đồng loạt ở nhiều trường tiểu học trên khắp thành phố.
Năm học 2023-2024, TP.HCM nhân rộng mô hình lớp học số với môn âm nhạc, mỹ thuật bên cạnh các môn tin học, tiếng Anh
Học âm nhạc qua lớp học số
Tiết âm nhạc của lớp 4, Trường Tiểu học Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) diễn ra đầy hào hứng qua… lớp học số. Điều đặc biệt là dù không có giáo viên trực tiếp đứng lớp, học sinh chỉ tương tác với cô giáo qua màn hình song không vì thế mà mất đi sự thú vị, vui tươi của môn học. Bài hát “Miền biển quê em” được bắt đầu bằng điệu hò kéo lưới, học sinh hóa thân thành những chú cá heo, những thợ chài lưới… âm vang hò dô khắp lớp học.
Thầy Lê Hữu Bình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An cho biết, năm nay là năm đầu tiên học sinh nhà trường được học môn âm nhạc với giáo viên bộ môn thông qua lớp học số. Trước đây, do không có giáo viên âm nhạc nên nhà trường phải sử dụng giáo viên nhiều môn để giảng dạy.
Trợ giảng của lớp học là giáo viên chủ nhiệm, còn học sinh sẽ kết nối với giáo viên bộ môn qua màn hình trực tuyến. Lớp học số được trang bị đầy đủ phương tiện kết nối cũng như tương tác, đảm bảo rằng học sinh có thể dễ dàng tiếp thu, tương tác với giáo viên trong suốt tiết học dù chỉ qua màn hình.
Từ năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Thạnh An là một trong 2 trường tiểu học được TP.HCM lựa chọn thí điểm triển khai lớp học số ở 2 bộ môn là tiếng Anh và tin học, bên cạnh Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi), nhằm giải quyết bài toán thiếu giáo viên cũng như đẩy mạnh chuyển đổi việc đổi mới phương pháp giảng dạy ứng dụng công nghệ thông tin. Việc đưa lớp học số vào giảng dạy tại Trường Tiểu học Thạnh An đã giúp trường “phủ” được môn tiếng Anh ở tất cả các khối lớp trong toàn trường.
“Với kết quả đạt được cũng như sự hào hứng, thích thú của học sinh khi tham gia trong tiết học, năm học này nhà trường mạnh dạn triển khai lớp học số ở bộ môn âm nhạc, để học sinh được học âm nhạc một cách bài bản nhất, nâng tổng số 2 lớp học số trong toàn trường. Qua các lớp học số đã giúp nhà trường giải quyết được bài toán thiếu giáo viên, giúp học sinh có cơ hội được học tập ở các bộ môn theo Chương trình GDPT 2018, hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường…” – thầy Bình đánh giá.
Nhân rộng khắp các quận, huyện
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, mô hình lớp học số được TP.HCM triển khai sau dịch Covid-19 trong năm học 2022-2024, thí điểm ở 2 trường tiểu học ở vùng sâu, vùng xa của TP.HCM vừa là thách thức vừa là thời cơ giúp thầy cô, học sinh thay đổi mạnh mẽ tư duy đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong dạy và học.
Lớp học số không chỉ giải quyết câu chuyện thiếu giáo viên tại TP.HCM mà còn là đưa công nghệ về các trường vùng sâu, vùng xa, thay đổi quan điểm của giáo viên ứng dụng công nghệ trong dạy và học, chia sẻ đội ngũ giáo viên giỏi đến những trường còn nhiều khó khăn để nâng cao chất lượng dạy và học.
Học sinh Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) trong lớp học số môn tiếng Anh
Với kết quả sau 1 năm triển khai thí điểm, năm học 2023-2024, bà Thúy thông tin, TP.HCM sẽ nhân rộng mô hình lớp học số ra khắp các quận huyện, trường học còn gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc.
“Trong năm nay, TP.HCM sẽ linh hoạt, hợp lý, sắp xếp thời khóa biểu phù hợp để giáo viên có thể thực hiện được việc dạy trực tuyến cùng một lúc nhiều lớp, chứ không chỉ dừng ở việc kết nối tương tác với 1 lớp học ở 1 trường học như năm học trước, đảm bảo 100% các học sinh lớp 3 và lớp 4 của trường được học môn tiếng Anh, tin học và các khối lớp được học mỹ thuật, âm nhạc theo quy định” – bà Thúy thông tin.
Trao đổi thêm, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, hiện Sở GD-ĐT TP.HCM đã yêu cầu phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện và TP.Thủ Đức lập danh sách đội ngũ giáo viên cốt cán có năng lực, chuyên môn tham gia giảng dạy trực tuyến. Rà soát các trường, điểm trường, số lớp không có đủ điều kiện để thực hiện lớp học số đối với môn tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc. Bố trí đội ngũ giáo viên cốt cán có năng lực dạy học trực tuyến tham gia thực hiện, triển khai lớp học số.
Đồng thời chỉ đạo các trường sắp xếp thời khóa biểu khoa học để thực hiện phương án giáo viên dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường, hướng dẫn đơn vị thực hiện lớp học số ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên và ký hợp đồng thỉnh giảng đối với giáo viên tham gia dạy lớp học số cho đơn vị nhằm đảm bảo chế độ chính sách đầy đủ cho giáo viên tham gia.
“Căn cứ trên cơ sở báo cáo của các phòng giáo dục, Sở GD-ĐT sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức lớp học số; lập danh sách đội ngũ giáo viên môn tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc cốt cán, có năng lực chuyên môn, kỹ năng tổ chức hỗ trợ dạy học trực tuyến cho nhiều trường, điểm trường trên địa bàn thành phố. Cạnh đó sẽ thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát tư vấn và hỗ trợ các đơn vị còn gặp khó khăn. Phối hợp Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ chuyển đổi số TP.HCM tư vấn giải pháp hoặc tổ chức khảo sát các lớp học số tại các cơ sở giáo dục…, đảm bảo thực hiện tốt nhất dạy học môn tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc cho học sinh tiểu học từ năm học 2023-2024 theo Chương trình GDPT 2018” – ông Nguyễn Bảo Quốc chia sẻ.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)