Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

TP.HCM nhân rộng mô hình bệnh viện chị – em

Tạp Chí Giáo Dục

Theo các chuyên gia, việc mở cửa phát triển kinh tế thì số ca F0 gia tăng là có thể xảy ra. Tuy nhiên, cần kiểm soát người thuộc nhóm nguy cơ cao để giảm nặng nhập viện và giảm tử vong.

Bảo vệ nhóm nguy cơ

Ngày 12.12, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết hiện tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách đang tiếp nhận trên 210 ca bệnh nặng, trong đó có đến 160 ca thở máy. Trước đây, lúc thấp điểm chỉ còn 150 ca nặng nằm viện, sau đó lên 170 ca. Bệnh viện đã phải mở thêm 1 khoa hồi sức bệnh nhân nặng 50 giường, và sắp tới mở thêm 1 khoa hồi sức. Nói về nhân lực phục vụ cho bệnh viện, theo bác sĩ Việt, Sở Y tế có chi viện cho Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng hiện nay đâu đâu cũng thiếu nên nhân viên y tế phải tăng cường làm thêm. Trong khi đó, tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã tiếp nhận trên 150 ca Covid-19, trong đó có hơn 30 ca nặng.

TP.HCM nhân rộng mô hình bệnh viện chị - em - ảnh 1

Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình (TP.HCM). NHẬT LINH

Trong khi đó, Sở Y tế TP.HCM cũng đã huy động nguồn nhân lực đến Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 do Bệnh viện Nhân dân Gia Định phụ trách để tiếp nhận bệnh nhân. Đến ngày 12.12, Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 có trên 300 bệnh nhân, trong đó có khoảng 200 bệnh nhân nặng cần hỗ trợ ô xy, thở máy.

TP.HCM có khoảng 13.000 F0 đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, tầng 3; gần 5.000 F0 đang cách ly tập trung và 65.000 F0 cách ly tại nhà. Số ca mắc mới qua khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR mỗi ngày trên 1.000 ca và số ca test nhanh là trên 3.000 ca. Số ca bệnh nặng cần hỗ trợ ô xy hiện trên 3.300 ca và số ca thở máy xâm lấn đã gần 480 ca.

Theo lãnh đạo các bệnh viện hồi sức điều trị Covid-19, bệnh nhân Covid-19 tử vong chủ yếu tập trung ở nhóm bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, thận, tim mạch… Do đó, chiến lược bảo vệ nhóm người này rất quan trọng trong giai đoạn bình thường mới.

Nâng tầm bệnh viện dã chiến

Ngày 12.12, Sở Y tế TP.HCM TP.HCM cho biết hiện nay có 8 bệnh viện, trung tâm hồi sức lớn, chia làm 8 cụm phụ trách tất cả cơ sở y tế tại 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức theo mô hình “bệnh viện chị – em”.

Tổng giường bệnh hiện nay khoảng 31.000. Bệnh viện tuyến trên là “chị”, các cơ sở y tế tầng 1, 2 là “em”. Đặc biệt là Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13, số 14, số 16, bên cạnh tiếp nhận bệnh nhân mức độ trung bình, nặng, nguy kịch thì còn xuống các bệnh viện tầng 2 hội chẩn, nhận bệnh ở ngoài khu vực phụ trách nếu bệnh viện “chị” khu vực đó quá tải.

Tại các bệnh viện dã chiến này, luôn có sự chuyển đổi liên tục bệnh nhân giữa các tầng để tối ưu hóa nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng điều trị, phấn đấu theo hướng “không để người bệnh xuất viện ở tầng 3, và không để người bệnh chết ở tầng 2”.

Thay vào đó, bệnh nhân ở tầng 3 khi ổn định sẽ được chuyển xuống tầng 2 (luôn sẵn sàng giường trống để nhận bệnh nhân nặng), bệnh nhân ở tầng 2 khi trở nặng thì được chuyển lên tầng 3. Tuy là dã chiến nhưng bệnh viện cũng tổ chức được các bộ phận hỗ trợ như vật lý trị liệu hô hấp cho bệnh nhân thở máy, dược lâm sàng cho bệnh nhân nặng và nguy kịch, khoa dinh dưỡng lâm sàng để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân đang điều trị tại phòng hồi sức. Ngoài ra, bệnh nhân có bệnh nền hoặc bệnh nặng nguy kịch luôn được hội chẩn dinh dưỡng can thiệp.

Tư vấn bệnh chuyên khoa từ xa với bác sĩ đầu ngành

Ngày 12.12, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết mọi hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân TP.HCM trong giai đoạn bình thường mới diễn ra bình thường nhưng đảm bảo công tác phòng chống dịch tại các cơ sở y tế một cách chặt chẽ.

Người dân khi cần tư vấn về sức khỏe, hãy gọi tổng đài 1022, phím số 5 nếu chưa cần thiết đi đến bệnh viện. Theo Sở Y tế, tổng đài 1022, phím số 5 có hơn 200 bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, chuyên gia đầu ngành của Hội Y học TP.HCM tham gia tư vấn.

Do đó, người dân có thể yên tâm về trình độ chuyên môn của bác sĩ, bên cạnh nhiều lợi ích trước mắt như: hạn chế việc đi lại, giảm nguy cơ lây nhiễm khi đến các cơ sở y tế, tiết kiệm thời gian và chi phí… Ngoài ra, hoạt động của tổng đài 1022 còn góp phần giảm tải cho các bệnh viện trong bối cảnh phải đối phó với dịch bệnh đang kéo dài nhờ giúp sàng lọc và xử trí những trường hợp chưa cần đến bệnh viện.

Về thời gian tư vấn, buổi sáng từ 8 – 10 giờ; buổi chiều từ 14 – 16 giờ; buổi tối từ 19 – 21 giờ.

Theo Duy Tính/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)