Nhằm giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại các bệnh viện (BV), Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có buổi làm việc với các BV Trung ương, địa phương trên địa bàn TP.HCM.
Thiếu thuốc vì… quá tải
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết, số lượt khám chữa bệnh tại TP.HCM tăng đều mỗi năm từ 6-8%, thậm chí 10%. Đó là chưa kể còn có tình trạng đẩy bệnh nhân từ tuyến dưới lên tuyến trên, từ BV này sang BV khác… Vì vậy đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các BV lớn trên địa bàn TP.
Tại BV Thống Nhất, PGS.TS Lê Đình Thanh – Giám đốc BV – thông tin, BV thường xuyên đấu thầu nhưng vì hiện nay bệnh nhân đổ về nhiều nên gây ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ.
Theo TS. Nguyễn Quốc Bình – Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, kể cả khi có hợp đồng thì vẫn có thể thiếu thuốc vì đơn vị trúng thầu không giao hàng kịp; hoặc có lúc phát sinh những trường hợp cấp cứu sẽ dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế…
“BV Chợ Rẫy là BV tuyến cuối, nhu cầu của người bệnh biến đổi không ngừng. Gần đây, số người bệnh đến khám chữa bệnh tăng 11-12% so với 2 tháng trước. Điều này làm cho BV bị động trong việc đảm bảo cung ứng. Cụ thể, BV dự trù cung ứng thuốc cho 1.000 bệnh nhân trong vòng 3 tháng nhưng vì bệnh nhân tăng đột biến nên thuốc hết sớm hơn”, ông Bình nói.
BS Châu Văn Đính – Giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM – cũng cho biết, mỗi khi thiếu thuốc, vật tư, BV sẽ mượn hoặc được điều chuyển nên không thiếu. Tuy nhiên với khớp giả là đặc thù, giá trị cao, BV không dám mua sắm trực tiếp. Hiện tại chỉ còn một số dành cho bệnh nhân thay lại. Do đó, đối với những bệnh nhân cần thay mới, BV phải chuyển qua cơ sở khác. Hay như dụng cụ kết hợp xương, bệnh nhân ở tỉnh lên rất nhiều và gây áp lực cho BV, có những thời điểm BV thiếu. Do vậy, BV đã mua sắm trực tiếp với số lượng không quá 30% so với gói thầu cũ theo quy định, nhưng cũng không đủ. Theo đó, BV phải chuyển bệnh nhân qua các BV có khoa chấn thương chỉnh hình.
Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế TP đang khẩn trương xây dựng quy trình cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt.
Đây là phân cấp quản lý Nhà nước thứ hai trong lĩnh vực y tế của Chính phủ cho TP.HCM theo Nghị định số 84/2024/NĐ-CP về việc thí điểm phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM. Phân cấp này mở ra nhiều triển vọng cho TP để tăng tính chủ động trong công tác cung ứng thuốc cho hệ thống khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn, giải quyết vấn đề khó khăn trong việc nhập khẩu các thuốc hiếm, thuốc dùng trong trường hợp khẩn cấp. Theo phân cấp này, TP được cấp phép nhập khẩu đối với các thuốc chưa có giấy phép lưu hành tại Việt Nam, chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị và thuộc một trong các trường hợp: Thuốc sử dụng cho mục đích cấp cứu, chống độc; chống thải ghép; Thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm; Thuốc có trong hướng dẫn phòng và xử trí sốc phản vệ; Thuốc được sử dụng cho người bệnh cụ thể đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để chẩn đoán, dự phòng hoặc điều trị đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A, bệnh ung thư, HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét và các bệnh hiểm nghèo khác. |
Chia sẻ về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, TS. Vũ Trí Thanh – Giám đốc BV TP.Thủ Đức – cho biết, ngoài các nguyên nhân nói chung thì BV TP.Thủ Đức thiếu thuốc là do… thiếu nợ nhiều. Bởi vậy những doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có thuốc độc quyền không tham gia thầu, hoặc tham gia thầu nhưng cung ứng nhỏ giọt. Về vật tư y tế, một số vật tư liên quan răng hàm mặt, thẩm mỹ tạo hình thiếu vì đấu thầu không trúng thầu, không tham gia thầu có thể do số lượng sử dụng không đủ lớn.
“Không những vậy, một số vật tư trúng thầu, chất lượng không đáp ứng yêu cầu. Đơn cử như kim chỉ khâu tầng sinh môn, kim thì cùn, chỉ khâu chưa đủ ngày thì đứt làm cho vết thương chưa kịp lành; các dụng cụ dành cho lọc thận thì chưa đáp ứng được tiêu chí chuyên môn. Thậm chí, hóa chất sát trùng tay trúng thầu, khi sát trùng xong, BV tiến hành cấy lại để đánh giá kết quả. Dù cấy ngay trên dung dịch sát khuẩn nhưng vi khuẩn vẫn mọc…”, TS. Thanh tâm tư.
Thống kê mô hình bệnh tật để dự trù vật tư, thuốc
Ghi nhận ý kiến của các BV, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, có 3 nhóm yếu tố tác động tới việc đảm bảo cung ứng thuốc và vật tư y tế cho một đơn vị hoặc một địa phương; đó là thể chế, tổ chức và công tác điều trị.
Theo đó, ông Tuyên đề nghị Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT) nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật BHYT kèm theo hồ sơ dự thảo, các nghị định và các thông tư. Cập nhật danh mục thanh toán thuốc và vật tư y tế tối đa 2 năm 1 lần. Tùy tình hình cụ thể, các đơn vị có thể cập nhật nhiều lần trong 1 chu kỳ. Đồng thời, BHYT cần nghiên cứu đưa danh mục thuốc và vật tư y tế vào thanh toán BHYT. BHYT cần thanh toán theo người bệnh, không thanh toán theo định suất và không thanh toán theo khoán chi. Theo đó, bệnh nhân ra tới đâu thanh toán hoàn thiện tới đó.
Các đơn vị thiếu nhân lực và năng lực nên đẩy mạnh đấu thầu tập trung, đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Đề nghị Vụ Kế hoạch – Tài chính tham mưu và ban hành thông tư về danh mục thuốc, thiết bị y tế về đấu thầu tập trung. Với thuốc ngoài danh mục đấu thầu tập trung, các cơ sở phải chủ động. Trường hợp nguồn nhân lực thiếu, năng lực không có thì thuê các tổ chức đấu thầu. Nhất định không được để thiếu thuốc.
Khi các đơn vị đưa ra hồ sơ mời thầu, chấm thầu cần nghiên cứu kỹ về thực lực của nhà thầu, tránh tình trạng nhà thầu thiếu thuốc. Khi ký hợp đồng, cần cam kết cung cấp đầy đủ thuốc, trường hợp không cung cấp được, đứt gãy nguồn thuốc phải xử phạt và đưa ra tòa kinh tế.
Tại các đơn vị, phòng kế hoạch tổng hợp, phòng vật tư y tế, khoa dược, phòng kế toán phải cùng phối hợp để xây dựng kế hoạch cung ứng thuốc và vật tư cho năm sau. Các đơn vị phải thống kê được mô hình bệnh tật trong vòng 5 năm hoặc ít nhất 6 tháng gần nhất để biết được bệnh gì sẽ tăng cao nhằm dự trù vật tư, thuốc; từ đó đưa ra kế hoạch chọn nhà thầu và đấu thầu.
Đồng thời, để đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, các bệnh viện cần có kế hoạch mua sắm thuốc cho năm sau ngay từ quý 4. Thuốc và vật tư y tế cùng nhóm có thể thay thế cho nhau. Không nhất quyết phải ấn định thuốc và vật tư y tế đó…
Thùy Linh
Bình luận (0)