Mặc dù đã thông qua chủ trương đầu tư, một số công trình đã khởi công khá lâu, tuy nhiên hiện nhiều dự án giao thông tại TP.HCM chưa thể hoàn thành do vẫn còn chờ mặt bằng.
Nhiều dự án giao thông tại TP.HCM chưa thể hoàn thành do vẫn còn chờ mặt bằng
1. Một trong những dự án đó là cầu Thủ Thiêm 2 (nối Q.1 và Q.2) có chiều dài gần 1,5km với 6 làn xe, tổng vốn đầu tư theo hình thức BT (xây dựng, chuyển giao) là 3.100 tỷ đồng.
Cầu Thủ Thiêm 2 được khởi công từ năm 2015, được đánh giá là một công trình nổi bật của giao thông TP.HCM trong việc kết nối, rút ngắn khoảng cách giữa khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm TP. Không chỉ thế, công trình còn giúp hạn chế ùn tắc tại nút giao Tôn Đức Thắng – Nguyễn Hữu Cảnh và Lê Thánh Tôn (Q.1).
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP, đến nay cầu Thủ Thiêm 2 đã thi công đạt hơn 70% khối lượng, với diện tích 13.000 mét vuông. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng nên dự án đã được gia hạn đến tháng 9-2021.
Ngoài cầu Thủ Thiêm 2, các công trình khác còn chờ mặt bằng để tiếp tục thi công, gồm: Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa (Q.Tân Bình); Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình); Dự án xây dựng cầu Bưng (tiếp giáp Q.Tân Bình và Q.Tân Phú); Dự án xây dựng cầu Nam Lý và Tăng Long (Q.Thủ Đức)…
Theo đó, dự án nối đường Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa đã được TP thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2016. Dự án nhằm mở rộng khu vực đường Trường Sơn, giảm áp lực phương tiện ra vào Sân bay Tân Sơn Nhất cũng như hạn chế ùn tắc ở các tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa, vòng xoay Lăng Cha Cả…
Đến năm 2019, dự án được điều chỉnh vốn đầu tư lên 4.800 tỷ đồng với 6 làn xe (thay cho 4 làn trước đó). Nguyên nhân là do Sân bay Tân Sơn Nhất xây thêm nhà ga T3, nâng công suất 50 triệu lượt khách mỗi năm, phải điều chỉnh cho phù hợp.
Đại diện chủ đầu tư – Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, nếu mặt bằng được bàn giao trong quý 3 thì công trình sẽ khởi công vào quý 4-2021 và dự kiến công trình sẽ hoàn thành sau 6 tháng thi công.
2. Tương tự, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) có chiều dài khoảng 780m, rộng 22m được phê duyệt từ tháng 10-2016 với vốn đầu tư 255 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng lên đến 170 tỷ đồng đến nay vẫn còn chờ mặt bằng để thi công.
Một trong những công trình mà người dân TP mong đợi, xóa điểm đen giao thông cũng như ùn tắc khu vực cửa ngõ Tây Bắc, đó là công trình xây dựng cầu Bưng mới (đường Lê Trọng Tấn, tiếp giáp giữa Q.Tân Bình và Q.Tân Phú). Công trình này có chiều dài 560m (chiều dài cầu 212m, rộng 21-24m), được khởi công từ năm 2017, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng sau 20 tháng, tuy nhiên công trình đến nay đã bị ngưng trệ do chưa giải quyết được mặt bằng.
Ngoài ra, 4 đoạn (14km) thuộc đường vành đai tại TP.HCM vẫn chưa hoàn thành do vướng mặt bằng. Cụ thể, đoạn 1: từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội (dài 3,5km); đoạn 2: từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (dài 2,5km có tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng); đoạn 3: từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (dài 2,7km) đã thi công vào cuối tháng 12-2017, thi công đạt 50% khối lượng nhưng phải tạm dừng từ 2 năm nay để rà soát hợp đồng BT và điều chỉnh vốn. Đoạn 4: từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh, đi qua Q.Bình Tân và huyện Bình Chánh (dài 5,3km có tổng mức đầu tư 9.240 tỷ đồng). |
3. Ở phía Đông TP, dự án xây cầu Nam Lý (đường Đỗ Xuân Hợp) và cầu Tăng Long (bắc qua rạch Trau Tràu, đường Lã Xuân Oai) cũng được xem là hai công trình trọng điểm của TP.Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung.
Năm 2016, cầu Nam Lý (dài 450m, rộng 20m) được khởi công với tổng vốn đầu tư 857 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2018. Công trình này thay cầu Cống đập Rạch Chiếc trước đó đã xuống cấp, giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc trên khu vực. Tuy nhiên, do vướng công tác giải phóng mặt bằng nên công trình phải ngừng thi công từ năm 2019.
Gần đó, cầu Tăng Long cũng được khởi công từ tháng 12-2017 với tổng vốn đầu tư 450 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Dự án này sau khi hoàn thành không chỉ giải quyết ùn tắc đường bộ mà còn đáp ứng yêu cầu giao thông thủy.
Để các công trình trên sớm thi công trở lại, Sở GTVT TP đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung giải quyết các vướng mắc về thủ tục, mặt bằng để giao cho chủ đầu tư tiếp tục thi công. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP cũng cho biết, nếu bàn giao mặt bằng đến đâu sẽ thi công đến đó theo kiểu cuốn chiếu để đảm bảo tiến độ.
A.Trần – M.Tuyết
Bình luận (0)