Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM: Nhiều kẻ gian lấy mất lưới chắn rác từ cống thoát nước

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian qua, cống thoát nước tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP đã bị kẻ gian lấy mất các lưới chắn rác bằng kim loại, gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng TP.

Quang cảnh họp báo

Ngày 11-7, ông Phạm Công Đô, Phó Trưởng phòng Quản lý hạ tầng thoát nước, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng TP.HCM, đã đưa ra thông báo về tình trạng mất cắp lưới chắn rác bằng kim loại tại nhiều tuyến đường trong TP tại buổi họp báo về các vấn đề kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM.

Tình trạng này không chỉ gây thất thoát tài sản Nhà nước mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông và hiệu quả hoạt động của hệ thống thoát nước.

Theo Quyết định phân cấp số 256/QĐ-SXD-HTKT ngày 6-3-2024, Sở Xây dựng TP.HCM đã giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật quản lý 705 tuyến cống thoát nước với chiều dài 1.728.456 mét và 84.464 hầm ga.

Đại diện Sở xây dựng TP cho biết, trong quá trình quản lý và vận hành hệ thống này, Trung tâm Hạ tầng đã ghi nhận tình trạng mất cắp lưới chắn rác miệng thu nước, đặc biệt là ở các tuyến đường khu vực ngoại thành và nơi có dân cư thưa thớt. Sự việc này không chỉ gây mất mát tài sản mà còn ảnh hưởng lớn đến an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, cũng như hiệu quả của hệ thống thoát nước. Dù Trung tâm Hạ tầng đã thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này, nhưng tình trạng mất cắp vẫn tiếp diễn.

Nhằm hạn chế tình trạng mất cắp, Trung tâm Hạ tầng đã thực hiện nhiều biện pháp như tăng cường công tác tuần tra và quản lý thường xuyên hệ thống thoát nước để phát hiện kịp thời các sự cố mất cắp vật tư, kịp thời sửa chữa và thay thế để đảm bảo an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, trung tâm cũng đã gia cố các chốt, khóa, hàn chống trộm cho các bộ phận cấu kiện thoát nước như nắp hố ga và lưới chắn rác bằng sắt.

Ngoài ra, trung tâm còn nghiên cứu và từng bước thay thế dần dần vật liệu kim loại sắt thành các vật liệu khác như gang và composite để giảm tình trạng mất cắp. Hiện tại, trung tâm đang triển khai cải tạo và lắp đặt miệng thu nước kiểu mới tại các tuyến đường trục chính trong TP.

Từ khi thực hiện thí điểm vào năm 2020, các vị trí đã được cải tạo chưa xảy ra tình trạng mất cắp, đồng thời góp phần cải thiện mỹ quan khu vực và tăng khả năng thoát nước.

Đối với vấn nạn trộm cắp các cấu kiện thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật, ông Đô cho biết không thể tránh khỏi trong những năm tiếp theo, việc hạn chế tình trạng này cần sự chung tay của các cơ quan chức năng và cộng đồng dân cư.

Do đó, Trung tâm Hạ tầng tiếp tục kiến nghị thông qua đường dây nóng 1022 và số điện thoại 02838.181.985 khi có sự việc mất cắp cấu kiện thoát nước xảy ra để các bên liên quan hỗ trợ thông tin kịp thời đến Trung tâm Hạ tầng nhằm thực hiện lắp đặt lại và đảm bảo an toàn giao thông.

Ông Phạm Công Đô, Phó Trưởng phòng Quản lý hạ tầng thoát nước, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng TP.HCM

Ủy ban nhân dân các quận, huyện và công an địa phương cũng được đề nghị hỗ trợ tổ chức thống kê các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn, tuyên truyền và cảnh báo để các cơ sở thu mua phế liệu không tiếp tay và thu mua các sản phẩm cấu kiện hạ tầng kỹ thuật do các đối tượng trộm cắp tiêu thụ.

Ông Đô cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở thu mua để xác định nguồn gốc các cấu kiện hạ tầng kỹ thuật và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp thu mua cấu kiện không rõ nguồn gốc.

Trung tâm Hạ tầng sẽ cung cấp các dạng thiết kế định hình các cấu kiện thuộc hệ thống thoát nước để hỗ trợ các đơn vị quản lý.

Thêm vào đó, việc tuyên truyền đến nhân dân để nâng cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và thông tin đến cơ quan chức năng nhằm xử lý các đối tượng trộm cắp theo quy định pháp luật cũng rất cần thiết. Sự chung tay của cộng đồng sẽ góp phần bảo vệ hệ thống hạ tầng kỹ thuật TP, đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động.

Thủy Phạm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)