Sau 6 tháng đầu năm, ngành du lịch TP.HCM đã đón trên 249.000 lượt khách quốc tế, 2,6 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu đạt 14.000 tỷ đồng, tăng 38,2% so với cùng kỳ 2022, đạt 50,5% so với kế hoạch 2023. Từ đà tăng trưởng trên, ngành du lịch cùng các doanh nghiệp đã lên phương án thu hút du khách vào những tháng cuối năm.
Ngành du lịch TP.HCM kỳ vọng thu hút du khách vào những tháng cuối năm
Đa dạng về tuyến điểm
Bà Trần Thị Bảo Thu (Giám đốc tiếp thị truyền thông Công ty Lữ hành Vietluxtour) cho biết, các sản phẩm du lịch nội địa cuối năm dự kiến không chỉ đa dạng về tuyến điểm mà còn ưu đãi về giá. Đối với thị trường inbound (khách nước ngoài), Lữ hành Vietluxtour không chỉ khôi phục dần các thị trường khách mục tiêu trước đây như châu Âu, Úc, Mỹ… công ty đã mở rộng thêm một số thị trường mới tiềm năng khác như Đông Bắc Á. Đặc biệt, với các chính sách visa mới công ty đã phát triển thêm thời lượng và chương trình các tuyến xuyên Việt và đa dạng hóa các sản phẩm nghỉ dưỡng biển để thu hút các thị trường khách Âu, Mỹ… nghỉ dưỡng dài ngày hơn. “Chúng tôi tập trung vào phân khúc khách trung và cao cấp, hiện đã đạt được hơn 50% kế hoạch trong quý I, II và kỳ vọng dịp cao điểm cuối năm, công ty sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 20-25% doanh thu, lượng khách”, bà Thu thông tin.
Du khách trải nghiệm du lịch trên sông Sài Gòn
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa (Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) cho biết: “Thời gian tới, trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 98, ngành du lịch TP.HCM xây dựng cơ chế xúc tiến, quảng bá để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là ở thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường công tác truyền thông đa phương tiện, phối hợp với các cơ quan truyền thông trong nước và nước ngoài để quảng bá bên cạnh việc quảng bá qua các kênh ngoại giao, nhân dân. Ngành du lịch cũng phối hợp với các ngành khác để tăng thời gian lưu trú, tăng chi tiêu du khách”. |
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Thức (Giám đốc kinh doanh Công ty Đất Việt tour) cho biết, so với 6 tháng cùng kỳ năm 2019, lượng khách và doanh thu nội địa giảm 20%. Tour chất lượng cao khó bán, đặc biệt tour nội địa giảm sâu vì vé máy bay quá cao. Lượng khách chi tiêu cho tour cao cấp dường như không có. Du khách vẫn thắt chặt chi tiêu, họ ưu tiên chọn tour giá rẻ. Còn công ty, xí nghiệp thay vì chọn tour dài ngày như những năm trước nay lại đổi hướng chọn tour ngắn ngày hoặc tour gần. “Trước tình hình trên, chúng tôi đang có kế hoạch đổi mới một số sản phẩm, làm việc với nhà cung cấp để giảm giá tour hoặc lên kế hoạch tổ chức tour ngắn ngày cho dịp cuối năm. Cụ thể, công ty thiết kế chương trình tour dành cho khách đăng ký sớm với giá giảm từ 2-5 triệu đồng/tour và phát triển sản phẩm theo hướng đa dạng hóa các tuyến du lịch, thêm tuyến mới như liên tuyến Việt Nam – Campuchia – Lào…”, ông Thức cho hay.
Tập trung nhóm sản phẩm có nguồn thu lớn
Nói về kế hoạch phát triển du lịch trong 6 tháng cuối năm, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa (Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) cho biết, trên cơ sở khảo sát du khách và nghiên cứu thị trường, ngành du lịch TP đã xác định được 5 yếu tố cốt lõi và xây dựng thương hiệu, chất lượng cũng như chiến lược truyền thông. Ngành du lịch cũng xác định 4 nhóm sản phẩm chính đang có nguồn thu lớn là du lịch văn hóa lịch sử, du lịch kết hợp hội nghị hội thảo triển lãm, du lịch kết hợp ẩm thực, du lịch kết hợp mua sắm. “Lần đầu tiên sản phẩm du lịch “Chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND và UBND TP.HCM” do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp các sở, ngành thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP tạo hiệu ứng tốt, thu hút sự chú ý, giới thiệu có điểm nhấn điểm đến TP.HCM. Chương trình nhằm tăng cường quảng bá lịch sử hình thành và phát triển của TP, tiếp tục xây dựng hình ảnh chính quyền TP.HCM thân thiện, cởi mở và hướng đến phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng gắn với văn hóa lịch sử, góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước”, bà Hoa chia sẻ.
Tour du lịch đường sông phục vụ du khách đến TP.HCM
Tiếp tục quảng bá điểm đến, ngành du lịch tiến hành xúc tiến quảng bá du lịch TP như quảng bá thương hiệu TP và các khu vực vùng ngoại thành. Công tác xúc tiến du lịch cũng đi cùng với nghiên cứu thị trường để doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm.
Ngành du lịch đã và đang triển khai 8 nhóm giải pháp đồng bộ đó là: phát triển sản phẩm, tài nguyên, thương hiệu, xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực, liên kết vùng… Trọng tâm là phát triển sản phẩm cho du lịch TP. Đặc biệt, ngành du lịch đã có kịch bản phục hồi sau dịch. Có thể kể đến các chương trình nổi bật như: “TP.HCM chào đón bạn – Welcome to Ho Chi Minh City”; chương trình mỗi quận huyện phát triển một sản phẩm đặc trưng, đáp ứng được du lịch tại chỗ và phát huy du lịch nội địa.
Theo bà Hoa, kinh tế đêm làm tăng chi tiêu của du khách. Do đó, sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy chế đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường, rà soát quy định pháp luật để gia hạn thời gian hoạt động cho các khu vực có hoạt động kinh tế đêm.
Hồ Trinh
Bình luận (0)