TP.HCM sở hữu hơn 1.000km đường sông, là lợi thế để phát triển giao thông đường thủy kết hợp du lịch.
Du lịch trên sông Sài Gòn
Tiềm năng du lịch đường thủy
Bên cạnh tuyến buýt sông số 1 đã đưa vào hoạt động từ tháng 11-2017, người dân TP.HCM và du khách đang kỳ vọng các tuyến du lịch đường thủy sẽ đưa vào khai thác vào cuối năm nay với các phương tiện hiện đại, sức chứa lớn hơn.
Sở Du lịch TP.HCM cho biết, 3 tuyến du lịch đường thủy dự kiến hoạt động vào cuối năm nay là tuyến Bạch Đằng – Q.7, Bạch Đằng – Q.9 và Bạch Đằng – Bình Quới (Q.Bình Thạnh). Sở sẽ phối hợp với Sở GTVT TP, các sở ngành liên quan, đơn vị kinh doanh dịch vụ, nhà vườn… để thu hút khách.
Hiện, Sở Du lịch TP đang phối hợp với Sở GTVT TP tiến hành nâng cấp các bến tàu hiện hữu dọc theo tuyến, cải tạo cảnh quan, môi trường. Đồng thời đầu tư các phương tiện thủy, xe điện phục vụ tại các bến tàu đến các điểm du lịch được kết nối gần đó.
Theo kế hoạch, tuyến du lịch đường thủy Bạch Đằng – Q.9, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động phong phú như phố ẩm thực, mua sắm tại các điểm đến; chương trình nghệ thuật biểu diễn ánh sáng, đèn lazer từ các nhà cao tầng hiệu ứng xuống mặt nước; hoạt động trải nghiệm nhà vườn ở cù lao An Phước như tát mương bắt cá, một ngày làm nông dân, nấu ăn… Tuyến Bạch Đằng – Bình Quới có biểu diễn nhạc nước trên sông Sài Gòn…
Ngày 10-7 vừa qua, TP đã chính thức khai trương tuyến du lịch đường sông đầu tiên từ trung tâm TP đến Bình Dương với phương tiện là tàu cao tốc hiện đại. Tuyến này có lộ trình từ bến Bạch Đằng – Bình Dương – Củ Chi (Bến Đình, Bến Dược). Cụ thể, tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng đi qua bán đảo Thanh Đa, đón khách tại Bình Hòa rồi đi Thủ Dầu Một, cập bến Tiamo, sau đó vòng về Địa đạo Củ Chi. Dự kiến thời gian cho mỗi chuyến từ Bạch Đằng đến Củ Chi khoảng 2 tiếng. Theo đơn vị khai thác, mỗi ngày sẽ có 4 chuyến (sức chứa 98-150 khách/ tàu) xuất bến tại Bạch Đằng và Bến Đình. Giá vé toàn tuyến là 220 ngàn đồng/ chiều, riêng từ Bạch Đằng đi Bình Dương là 120 ngàn đồng/ chiều; Củ Chi đi Bình Dương là 150 ngàn đồng/ chiều.
Theo Sở GTVT TP, cự ly tuyến này dài 78km, tương đương tuyến Bạch Đằng – TP.Vũng Tàu. Tàu cao tốc đưa vào khai thác là tàu được đóng bằng hộp kim nhôm, trên tàu được trang bị đầy đủ ti vi, wifi, máy lạnh… Ngoài ra, đơn vị khai thác cũng có dịch vụ sử dụng du thuyền với sức chứa từ 14 đến 30 người với giá vé toàn tour 880 ngàn đồng.
Ông Nguyễn Hữu Thọ (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam) khẳng định, TP sở hữu tiềm năng phát triển du lịch thủy rất lớn, đây là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư khai thác. Cũng theo ông Thọ, hiện nay các nhà đầu tư du lịch thủy của các nước rất mong muốn được xây dựng bến du thuyền tại Việt Nam, trong đó TP.HCM là điểm đến đầu tư lý tưởng bởi có nhiều lợi thế. Để thu hút đầu tư hơn nữa, TP cần có bản quy hoạch chi tiết để phát triển du lịch đường sông xứng tầm với tiềm năng sẵn có.
Vận tải hành khách kết hợp du lịch
Phát triển giao thông thủy nhằm chia sẻ áp lực với giao thông đường bộ là nội dung quan trọng của Đề án “Phát triển giao thông đường thủy trên địa bàn TP” mà TP đang giao Sở GTVT TP nghiên cứu và xây dựng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với thế mạnh về đường sông, TP.HCM có đủ tiềm lực để phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy. Đây còn là cơ hội để TP giảm áp lực giao thông đường bộ. |
Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, ông Bùi Hòa An cho rằng, tiềm năng giao thông thủy của TP là rất lớn nếu được đánh giá, đầu tư đúng mức. Theo ông An, lợi thế của TP là có hơn 1.000km đường sông, được kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, vận tải đường thủy chiếm 45% trong việc vận chuyển hàng hóa đến và đi, nếu được khai thác triệt để, giao thông thủy không chỉ là nguồn lực phát triển của TP mà còn giảm áp lực vận tải đường bộ.
Khu vực phía Nam TP được xem là bệ phóng phát triển giao thông thủy. Trước đó, khu vực này đã triển khai dự án tuyến tàu cao tốc TP.HCM – Vũng Tàu, tuyến phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu, dự kiến sẽ khai thác tuyến buýt đường sông số 2…
Theo đánh giá của các chuyên gia, với thế mạnh về đường sông, TP.HCM có đủ tiềm lực để phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy. Đây còn là cơ hội để TP giảm áp lực giao thông đường bộ.
Ông Lương Minh Phúc (Giám đốc Ban quản lý Dự án công trình giao thông TP) cho biết, ban đang phối hợp với Sở GTVT TP khảo sát và đề xuất đầu tư tuyến kết nối trung tâm TP đến cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Hai đơn vị cũng tiến hành đầu tư, xây dựng bờ kè kết hợp phục vụ vận tải hành khách và du lịch trên sông Sài Gòn.
M.Tuyết – T.Anh
Bình luận (0)