Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

TP.HCM: Những giải pháp hạn chế xe cá nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Sở GTVT TP.HCM vừa đưa ra 10 giải pháp hạn chế xe cá nhân, trong đó có quy định chủ sở hữu xe ô tô trên địa bàn TP phải mở tài khoản và lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ công tác quản lý phương tiện và điều tiết giao thông.

Đầu tư mạnh vào vận tải hành khách công cộng là một trong những cách để hạn chế xe cá nhân

Triển khai 10 giải pháp hạn chế xe cá nhân

Sở GTVT TP.HCM cho biết, triển khai đề án về lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân gắn với lộ trình đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông công cộng có sức chở lớn trong thời gian tới (xe buýt CNG, BRT, metro…), Sở đã phối hợp với đơn vị tư vấn và các quận, huyện triển khai xong công tác khảo sát, phỏng vấn hộ gia đình và đang hoàn chỉnh báo cáo giữa kỳ.

Các đơn vị đã đưa ra 10 giải pháp nghiên cứu hạn chế xe cá nhân tại TP.HCM.

– Lập đề án thu phí ô tô vào một số khu vực nhằm giảm số lượng phương tiện lưu thông vào khu vực trung tâm TP.

– Lập đề án thu phí ô nhiễm môi trường các loại phương tiện giao thông đường bộ theo mức khí thải khi lưu hành.

– Xây dựng khung giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo hướng lũy tiến theo giờ và lũy tiến theo khu vực từ ngoại ô vào trung tâm TP, mức phí đỗ xe khu vực trung tâm ở mức phù hợp nhằm hạn chế nhu cầu đỗ xe.

– Rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng xe công theo quy định.

– Rà soát các quy định về hạn chế và cấp phép xe ô tô vận tải lưu thông trong khu vực nội đô TP.

– Điều tra, rà soát thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng, tiến tới xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đề xuất xử lý.

– Rà soát, thống kê, số lượng xe mô tô, xe gắn máy, 3-4 bánh vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn toàn TP (xe tự chế, xe không đăng ký, xe đăng ký…), tiến tới ngưng hoạt động các loại phương tiện này.

– Quy định đối với chủ sở hữu xe ô tô trên địa bàn TP phải mở tài khoản và lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ công tác quản lý phương tiện và điều tiết giao thông (thiết bị thu phí tự động…).

– Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế hoạt động đối với xe máy vào năm 2030 tại một số khu vực trung tâm và khu vực có tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra.

– Triển khai thí điểm đường dành riêng cho xe đạp trong một số khu đô thị.

Đầu tư mạnh vào vận tải hành khách công cộng

Sở GTVT TP.HCM dự kiến đầu tư phương tiện vận chuyển học sinh để đảm bảo theo chỉ tiêu đến năm 2020 phải đạt tối thiểu từ 15%-20% số lượng học sinh, sinh viên tại mỗi trường sử dụng xe buýt đi lại, với số lượng học sinh trên địa bàn thành phố hiện nay là 1.275.000 học sinh, dự kiến đến năm 2020 phải đạt tối thiểu 191.250 học sinh sử dụng xe buýt để đi lại.

Theo Sở GTVT TP.HCM, sau 10 năm hoạt động trên các tuyến xe buýt phổ thông lượng hành khách tăng từ 36,18 triệu lượt năm 2002, lên 413,14 triệu lượt vào năm 2012. Trong giai đoạn năm 2014 đến 2017, TP tiếp tục chính sách hỗ trợ lãi vay theo đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014-2017, đến nay có 11 doanh nghiệp, HTX đã đầu tư 970 xe buýt (trong đó có 314 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG đã đưa vào hoạt động 227 xe), hoạt động trên 53 tuyến xe buýt có trợ giá. Như vậy, số lượng xe đầu tư còn lại trong năm 2017 theo Đề án 1.680 là 710 xe trên 34 tuyến. Nhờ chính sách này đã khuyến khích các đơn vị vận tải đầu tư phương tiện, góp phần nâng cao chất lượng xe buýt và cải thiện môi trường xe buýt CNG (đến nay trên toàn mạng lưới có 299 xe buýt CNG). Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển trạm nạp nhiên liệu sạch CNG trong năm 2017 chưa được kịp thời, dự kiến việc đầu tư mới 5 trạm nạp khí CNG đến năm 2018 mới hoàn thành. Điều này dẫn đến chưa đảm bảo tiến độ và nguồn cung cấp nhiên liệu cho xe buýt CNG. Bên cạnh đó, có một số tuyến xe buýt không hoạt động trong khu vực xây dựng trạm nạp khí CNG ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư thay thế xe buýt CNG trong năm 2017.

Bên cạnh đó, Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết, từ nay đến năm 2020, TP cần hơn 16.121 tỷ đồng đầu tư vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Theo đó, kinh phí hỗ trợ lãi vay cho các đơn vị vận tải đầu tư phương tiện giai đoạn từ năm 2018-2020 khoảng 256 tỷ đồng; kinh phí trợ giá xe buýt là 8.196 tỷ đồng; kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng là 1.232 tỷ đồng (xây dựng bến xe buýt, bến kỹ thuật chuyên dụng, cải tạo trạm dừng và nhà chờ, xây dựng làn đường riêng, làn ưu tiên, nâng cấp hệ thống điều khiển trung tâm…).

Sở GTVT TP.HCM dự kiến đầu tư phương tiện vận chuyển học sinh để đảm bảo theo chỉ tiêu đến năm 2020 phải đạt tối thiểu từ 15%-20% số lượng học sinh, sinh viên tại mỗi trường sử dụng xe buýt đi lại, với số lượng học sinh trên địa bàn thành phố hiện nay là 1.275.000 học sinh, dự kiến đến năm 2020 phải đạt tối thiểu 191.250 học sinh sử dụng xe buýt để đi lại.

Trong đó, số lượng học sinh dự kiến sử dụng đi lại trên các tuyến xe buýt phổ thông chiếm khoảng 55% (tương ứng với 105.187 học sinh) và theo hình thức đưa rước là 45% (tương ứng với 86.063 học sinh), cần 7.682 chuyến/ngày với 1.219 xe loại 29 chỗ.

T.S

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)