Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

TP.HCM: Nỗ lực đưa trẻ OVC tới trường

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều năm qua, ngành GD-ĐT TP.HCM đã nỗ lực đưa trẻ OVC tới trường, học tập và sinh hoạt cùng các bạn bình thường (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.Tri

HIV/AIDS đã xuất hiện tại Việt Nam hơn 20 năm, sự phân biệt đối xử với những người bị nhiễm đã phần nào giảm nhẹ do sự hiểu biết của người dân về căn bệnh này được nâng cao dần. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp phụ huynh (PH) không muốn cho con em học và sinh hoạt chung với trẻ bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (gọi là trẻ OVC).
Còn nhiều vướng mắc
Bà Bùi Thị Kim Chùng, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Củ Chi, cho biết ở các nơi khác, người bệnh HIV/AIDS có thể sinh hoạt với cộng đồng mà những người xung quanh không dễ nhận biết. Nhưng tại Củ Chi, việc chứng kiến hình ảnh những người nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối được đưa vào Trung tâm Mai Hòa, chỉ sau một thời gian lại đưa ra ngoài mai táng là chuyện rất thường xuyên. “Chính vì thế, cái chết, sự nguy hiểm đi cùng với trẻ OVC dường như đã in sâu trong suy nghĩ của những người dân xung quanh khu vực Trung tâm Mai Hòa. Ở những nơi khác, khái niệm trẻ OVC có thể được hiểu là nhiễm hoặc không nhiễm HIV/AIDS nhưng ở Trung tâm Mai Hòa thì những đứa trẻ được đưa vào đây là hoàn toàn nhiễm. Người dân có thể đối xử rất tốt với những đứa trẻ này, cho chúng nhiều thứ nhưng rất khó để cho con em mình học và sinh hoạt chung, công sức tuyên truyền của cán bộ y tế để trẻ OVC được tới trường chỉ như “muối bỏ bể”, bà Chùng tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Quý, đại diện Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM cũng cho hay: Một số trường hợp người bị nhiễm HIV/AIDS đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam thường gắn liền với những tệ nạn xã hội như tiêm chích ma túy, mại dâm… Những khẩu hiệu, biểu ngữ tuyên truyền về phòng chống tệ nạn cũng thường gắn liền với căn bệnh này đã vô tình tạo cho nhiều người suy nghĩ rằng những người bị nhiễm HIV/AIDS đều có dính dáng đến tệ nạn xã hội. Do đó, trẻ OVC khi được hòa nhập vào trường học cũng bị nhiều PH gắn “mác” là có ba mẹ hoặc người trong gia đình dính tới tệ nạn xã hội nên có cái nhìn không thiện cảm và cho con em mình tránh xa. Bên cạnh đó, PH có con là trẻ OVC thường có tâm lý giấu hoặc chối bỏ để tránh cho con em mình bị kỳ thị thay vì phối hợp với nhà trường và chính quyền để chăm sóc, bảo vệ trẻ. “Có trường hợp một PH có con bị nhiễm cho con đi học nhưng hễ có ai phát hiện bé là trẻ OVC là lập tức chuyển trường cho con. Học sinh này đã phải chuyển trường tới 5-6 lần chỉ trong hai năm học”, bà Quý cho biết.
Còn đại diện Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho rằng, sự kỳ thị với trẻ OVC xuất hiện ngay trong gia đình của trẻ. Có bé mới học lớp 3 nhưng ba mẹ đều mất do bị nhiễm HIV/AIDS nên được ông nội đưa về nhà nuôi. Bản thân bé đã được sử dụng thuốc ngăn chặn HIV/AIDS từ trong bụng mẹ nên không bị nhiễm căn bệnh này. Tuy nhiên, các thành viên trong gia đình đều thờ ơ, không quan tâm tới bé.
Không để trẻ thiệt thòi
Theo khảo sát mới đây của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, hiện có hơn 30.000 trẻ OVC sinh sống đều khắp các quận/huyện. Trong số đó, trẻ ở độ tuổi học mầm non, tiểu học chiếm hơn 80%. Trong nhiều năm qua, ngành GD-ĐT TP.HCM cùng các ban ngành đã nỗ lực đưa trẻ OVC tới trường và hòa nhập cùng cộng đồng để trẻ không bị thiệt thòi trong đời sống. Năm học 2010-2011, sau nhiều lần họp bàn cách giải quyết, Phòng GD-ĐT Củ Chi đã chuyển hình thức, không đưa các em đến trường cùng một lần mà chia thành nhiều nhóm nhỏ và đưa từ từ từng nhóm đến trường, trong đó những em học lớp lớn hòa nhập trước. Ban đầu, các em được sinh hoạt chung với các bạn trong những giờ sinh hoạt dưới cờ, tiết chủ nhiệm, các buổi văn nghệ hoặc sinh hoạt ngoại khóa… Đến nay, tuy vẫn phải học tại trung tâm như một điểm lẻ của Trường Tiểu học An Nhơn Tây nhưng sự phân biệt, kỳ thị đã giảm rõ rệt.
Bên cạnh việc nỗ lực tuyên truyền, vận động PH cảm thông và chấp nhận con em mình sinh hoạt, học tập chung với trẻ OVC, các trường và ban ngành địa phương còn chủ động bình thường hóa, không gây sự chú ý của dư luận với sự việc đưa trẻ OVC tới trường. “Các em tại Trung tâm Mai Hòa đã chủ động phương tiện đi lại mà không cần sự đưa đón của các soeur. Một số giáo viên đã tình nguyện xin được biệt phái dạy tại điểm lẻ này”, bà Chùng cho biết.
Ông Dương Hoàng Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Hiệp (Q.Thủ Đức), cho biết các em tại Trung tâm Linh Xuân vẫn được đưa đón như những học sinh khác, nhưng người đưa đón phải xa lạ với PH và phải thay đổi thường xuyên để không ai phát hiện là người của trung tâm. Họ cũng phải để các em tự đi bộ từ xa vào cổng trường như những trẻ tự đi học không cần PH đưa đón. “Nhà trường không cho PH và các em học sinh bình thường biết trẻ OVC học ở những lớp nào và chỉ những người quản lý trực tiếp là giáo viên chủ nhiệm, BGH và cán bộ y tế mới biết rõ danh tính các em. Bản thân giáo viên chủ nhiệm cũng phải giữ thái độ, cách cư xử tình cảm với các em bình thường như những em khác”, ông Tuấn nhấn mạnh. Về phía trẻ OVC, các giáo viên chủ nhiệm và cán bộ y tế được yêu cầu lựa chọn những thời điểm thích hợp để nhắc nhở riêng với các em về những hoạt động, sinh hoạt trong trường như không được chơi đùa quá mức dẫn đến sây sát, chảy máu; lựa chọn hình thức sinh hoạt nhẹ nhàng như đọc sách, xem truyện để giảm thiểu những tai nạn có thể xảy ra. Cán bộ y tế cũng chủ động hướng dẫn các em cách tự chăm sóc bản thân để đề phòng trong những trường hợp xảy ra chảy máu…
Ngọc Anh
Với những nỗ lực và cách làm hiệu quả, TP.HCM được đánh giá là đơn vị có tỉ lệ trẻ OVC được tới trường hòa nhập tương đối cao. Sự phân biệt, kỳ thị của dư luận đối với trẻ OVC đã không còn là trở ngại như những năm trước đây. Ngành GD-ĐT TP.HCM được chọn là đơn vị biên soạn tài liệu đúc kết kinh nghiệm về công tác chống phân biệt, kỳ thị và đối xử với trẻ OVC để tuyên truyền rộng rãi trên cả nước.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)