Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

TP.HCM: Nỗ lực kéo giảm điểm ngập úng

Tạp Chí Giáo Dục

Một chủ tiệm tạp hóa ở Q.Bình Thạnh phải vất vả tát nước để cứu hàng hóa sau trận mưa lớn mới đây
TP.HCM hiện có hơn 50 điểm ngập úng. Các điểm ngập thường là vùng trũng thấp, xuất hiện khi triều cường hoặc có mưa lớn. Mùa mưa năm nay đến sớm, tần suất ngập úng cũng tăng dần theo gây khó khăn cho người dân khi lưu thông.
Khổ trăm bề vì ngập
Những cơn mưa lớn vừa qua tại TP.HCM đã gây ngập úng ở nhiều quận, huyện, cả nội và ngoại thành. Một trong những điểm thường xuyên bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập nước là Trường Tiểu học Bình Qưới Tây (P.28, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Nơi này, hàng tháng triều cường thường gây khó khăn cho việc đi lại của học sinh và người dân. Mùa mưa đến, nỗi nhọc nhằn cũng theo đó mà nhân lên. Một phụ huynh có con học lớp 4 ở ngôi trường này than rằng, trong nhiều năm qua việc học hành của con chị ít nhiều bị ảnh hưởng bởi triều cường hoặc khi mưa lớn. Mỗi khi đường bị ngập nước, mẹ con chị phải đến trường bằng xe ôm. Người phụ nữ nhẫn nại luôn cõng con lội nước, đưa con vào đến trường an toàn rồi mới an tâm ra về, vì cổng trường bị ngập sâu do quá thấp so với mặt đường.
Cũng khổ vì cảnh ngập nước, em Trần Thị Nga, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, ngụ đường Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức, TP.HCM cho hay đường ngập luôn khiến em phải khổ sở mỗi khi đến trường. “Những cơn mưa lớn từ đầu mùa mưa đến nay em phải “đối phó” rất mệt mỏi. Nhiều khi nước ngập quá nửa bánh xe không thấy đường chạy nên em bị sụp “ổ gà” trượt té làm quần áo ướt hết, cũng có khi bị xe lớn chạy nhanh bắn nước bẩn lên quần áo, đầu tóc nên em lại đành phải quay về”, nữ sinh viên năm thứ ba than thở.
Không phải chịu khổ sở vì triều cường, nhưng những cơn mưa kéo dài bao lâu nay luôn là nỗi ám ảnh của người dân ở khu vực Công viên Đầm Sen (đường Hòa Bình – Q.11, TP.HCM). Ông Phan Trọng Nhân, ngụ ở khu vực trên bức xúc: “Có những trận mưa nước ngập gần tới yên xe, nhiều người bị kẹt giữa dòng nước đen ngòm vì xe chết máy. Lúc đó, nhiều phụ huynh ở khu vực này cũng không thể ra khỏi nhà để đón con em dù chúng đã quá giờ tan trường. Sống ở đây bao nhiêu năm nay khổ sở trăm bề”. Theo ông thì đã rất nhiều năm khu vực này bị ngập sâu mỗi khi có mưa lớn, nên một vài người dân có nhà rộng đã sắm xuồng để phòng khi có việc cần kíp phải lưu thông trong lúc đường bị ngập sâu.
Triển khai dự án chống ngập
Theo Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP.HCM, toàn TP hiện còn 52 tuyến đường có nguy cơ ngập do mưa, tập trung ở các quận 5, 6, 9, 11, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Thủ Đức… và 24 tuyến đường ngập do mưa kết hợp với triều cường, tập trung nhiều nhất ở Q.2, 4, 6, 8, Bình Thạnh. Trong đó các quận 5, 11, Tân Bình, Tân Phú và Thủ Đức là những khu vực dự báo có nhiều tuyến đường bị ngập nhất. Nguyên nhân của việc ngập úng chủ yếu là do đường bị trũng thấp; hệ thống thoát nước cũ đã bị hư hại, xuống cấp; thậm chí có nơi còn chưa có hệ thống thoát nước…
Theo Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP.HCM, từ đầu năm tới nay, trung tâm đã nạo vét, duy tu bảo dưỡng hàng trăm tuyến cống trên toàn địa bàn TP; phối hợp cùng Thành đoàn tiến hành vớt lục bình, khơi thông cống rãnh, tạo thông thoáng dòng chảy. Nhờ đó, thời gian ngập tại nhiều khu vực đã giảm xuống đáng kể.
Với nỗ lực kéo giảm các điểm ngập úng trên địa bàn TP, đại diện Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP.HCM cho hay biện pháp cấp thiết mà cơ quan này đang thực hiện là lập bản đồ cảnh báo ngập úng trên địa bàn TP này. Theo đó, bản đồ này có tính chất như một bảng chi tiết về lượng mưa, đỉnh triều cường, thời điểm, khu vực và quy mô ngập nước tại các khu vực trên, đồng thời sẽ khởi công 27 dự án chống ngập. Các dự án này sẽ được khởi công, hoàn thành trong hai năm 2014 và 2015.
Bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các dự án chống ngập, trong quý 2-2014, Trung tâm Điều hành chống ngập TP.HCM sẽ trình UBND TP kế hoạch xây dựng mạng lưới hồ điều tiết ở khu vực nội thành và ngoại thành để kéo giảm tình trạng ngập úng. Dự kiến 30 hồ điều tiết lớn sẽ được bố trí tại khu vực ngoại thành và hàng trăm hồ nhỏ khác khu vực nội thành.
Theo nhận định của ông Hồ Long Phi, Phó ban Điều phối chương trình chống ngập TP, mạng lưới các hồ điều tiết nếu được triển khai đồng bộ sẽ giúp tích trữ hàng chục triệu mét khối nước mưa và như vậy sẽ kéo giảm được 30% tình trạng ngập úng của TP so với hiện nay. Với tác động biến đổi khí hậu, lượng mưa ngày một tăng thì xây hồ điều tiết là giải pháp khả thi giúp giảm quá tải cho hệ thống cống thoát nước mỗi khi gặp mưa lớn kết hợp với triều cường.
Bài, ảnh: Bích Vân
Những việc cần làm gấp
Để chống ngập lụt bền vững, theo ông Hồ Long Phi thì TP.HCM cần nhanh chóng soạn thảo và ban hành quy chế về không gian dành cho nước; thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và quy trình ứng phó; thiết lập quy trình vận hành hồ chứa nước đa mục tiêu; ưu tiên đầu tư cho công trình thoát nước nội thành.
 
 

Bình luận (0)