Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

TP.HCM nỗ lực phát triển đồng bộ văn hóa và kinh tế

Tạp Chí Giáo Dục

Thành phố Hồ Chí Minh luôn được xem là một trung tâm hàng đầu của cả nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa nghệ thuật cũng như cửa ngõ giao lưu với quốc tế. Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong việc phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực, đặc biệt giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa.

Thiết chế văn hóa không theo kịp cơ sở hạ tầng

Trong những năm vừa qua, cơ sở hạ tầng của thành phố phát triển rất mạnh nhưng các công trình văn hóa thì chưa tương xứng. Hàng loạt công trình giao thông, tòa nhà cao tầng… được đầu tư xây dựng có tầm cỡ khu vực như Hầm vượt sông Sài Gòn, Tòa tháp Bitexco… Tuy nhiên, những công trình phục vụ nhu cầu cho văn hóa, nghệ thuật lại quá ít, chủ yếu dựa vào các công trình cũ, đã quá lạc hậu, xuống cấp.

Sân khấu nổi và diễu hành thuyền hoa trên rạch Bến Nghé ở TP.HCM. (Ảnh minh họa: Tràng Dương/TTXVN)

Phó giáo sư, tiến sỹ Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sau gần 40 năm xây dựng, phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống thiết chế văn hóa khá đầy đủ, đa dạng từ thành phố đến cơ sở. Song so với tiềm năng, thực lực của mình, hệ thống thiết chế văn hóa thành phố phát triển chậm, chưa đồng bộ, chủ yếu vẫn dựa vào vốn cũ sẵn có. Một số thiết chế xuống cấp trầm trọng, nhất là những nhà hát, rạp chiếu phim, có thiết chế hoạt động không hiệu quả, có thiết chế hoạt động không đúng công năng. Thiết chế văn hóa dành cho những ngành nghệ thuật chuyên nghiệp, nhất là nghệ thuật dân tộc và cả nghệ thuật hàn lâm chưa được quan tâm đúng mức.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Quốc Lâm, giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu cho biết sau giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh có đến 42 rạp chiếu phim nhưng đến nay, hầu hết các rạp đã thay đổi công năng, một số rạp được các công ty tư nhân đầu tư xây dựng mới. Hiện thành phố chỉ còn lại 3 rạp của nhà nước, trong đó 2 rạp đang đóng cửa để sửa chữa.

Mặt khác, thành phố có tới gần 10 triệu dân nhưng các hãng phim Nhà nước hiện không có rạp chiếu để chiếu những bộ phim của mình. Nhiều bộ phim thực hiện những yêu cầu về lịch sử đầu tư được sản xuất rất công phu, có chất lượng nhưng chủ yếu để… tham gia các cuộc thi sau đó thì cất vào kho.

Thực tế trên cũng được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận khi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc." Cụ thể, “những bộ môn nghệ thuật dân tộc cần được bảo tồn như cải lương, hát bội, đờn ca tài tử, múa rối nước gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp, thiếu sự quan tâm đầu tư chiến lược, lâu dài; một số công trình triển khai thực hiện quá chậm như Nhà hát giao hưởng-nhạc-vũ kịch đến nay vẫn chưa được triển khai xây dựng, rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ chưa được triển khai; Rạp Long Phụng (Nhà hát Bội) xuống cấp trầm trọng…"

Sau gần 40 năm giải phóng, thành phố chưa xây dựng được một công trình nào đạt chuẩn về biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao, công trình mang tính biểu trưng cho văn hóa thành phố hoặc đáp ứng các sự kiện văn hóa nghệ thuật tầm cỡ quốc tế.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm của đời sống văn học nghệ thuật, từ sáng tác đến quảng bá. Tuy vậy, số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật không ít, song quá ít tác phẩm có giá trị cao, sâu sắc về tư tưởng và nghệ thuật, không có tác phẩm đi vào lòng người, mang dấu ấn trong đời sống văn hóa, nghệ thuật của thành phố trong những năm gần đây. Khuynh hướng văn học nghệ thuật giải trí, sính ngoại, bắt chước, khai thác mặt tiêu cực “cái tôi” nhỏ mọn, hạ thấp chức năng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ, ngày càng phát triển.

Để văn hóa và kinh tế không "lỗi nhịp" với nhau

Ở góc độ những nhà nghiên cứu về mối quan hệ mật thiết giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, phó giáo sư, tiến sỹ Huỳnh Quốc Thắng, Trưởng Bộ môn Văn hóa ứng dụng, Khoa Văn hóa học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) đã ví von mối quan hệ nhân quả giữa văn hóa-kinh tế là hai bộ phận mà sự vận hành phát triển của nó phải như "hai chân" trong một "cơ thể" thống nhất.

Phó giáo sư, tiến sỹ Huỳnh Quốc Thắng cho rằng vấn đề văn hóa và kinh tế là hai “thực thể” nhưng chúng phải “hóa thân” vào nhau làm một để không những tạo ra động lực phát triển bền vững của kinh tế mà còn có thể tạo ra những nhân tố tích cực, tốt đẹp mang tính chất “đạo lý sống” của văn hóa, có mặt thường trực ở mọi ngõ ngách cuộc sống nhằm đấu tranh mọi hạn chế triệt để những nhân tố tiêu cực trong các quá trình phát triển.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, ngành văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có những nỗ lực nhất định trong việc duy trì, củng cố các thiết chết văn hóa để phục vụ người dân, đáp ứng các nhiệm vụ về chính trị, xã hội.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hàng năm, các thiết chế văn hóa của thành phố phục vụ cho khoảng 10 triệu lượt người; riêng các trung tâm văn hóa phục vụ từ 4-6 triệu lượt người. Trong năm 2013, các nhà hát công lập biểu diễn hơn 2.300 suất với hơn 1 triệu lượt khán thính giả. Các bảo tàng, thư viện cũng đã tổ chức hơn 204 cuộc trưng bày, triển lãm phục vụ lượng khách tham quan khoảng 2,7 triệu lượt khách.

Để góp phần nâng tầm các thiết chế văn hóa, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố đã và đang tiến hành xem xét điều chỉnh lại mức đầu tư tương xứng hơn cho lĩnh vực văn hóa. Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo ngành văn hóa và các quận huyện rà soát các công trình văn hóa. Công trình nào sử dụng không đúng công năng sẽ phải điều chỉnh nhằm trả lại cho lĩnh vực văn hóa.

Cùng với đó, trong quá trình triển khai quy hoạch đô thị, xây dựng các khu dân cư mới, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chú trọng đến các vấn đề bố trí diện tích xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân, nhất là ở khu vực ngoại thành, khu công nghiệp…

Bên cạnh đầu tư, xây dựng mới cũng như tôn tạo, trùng tu các công trình phục vụ cho văn hóa nghệ thuật, một vấn đề cấp thiết được Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển văn hóa nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường.

Nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa-nghệ thuật, trong chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (thuộc 6 chương trình đột phá Thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX) đã có chương trình nâng cao chất lượng bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tập trung vào định hướng tăng cường phát hiện tuyển chọn, đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật, song song với việc bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn. Mặt khác, duy trì giá trị phi vật thể quý báu của dân tộc như cải lương, hát bội, múa rối đồng thời phát triển, tìm kiếm các tài năng trong các môn nghệ thuật hàn lâm, bác học như nhạc giao hưởng, múa ba lê, opera…

Đề cập đến vấn đề này, phó giáo sư, tiến sỹ Phan Xuân Biên cho rằng cần phải làm được việc xây dựng đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách, hệ giá trị chuẩn con người Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặt khác, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các giá trị gia đình truyền thống, cộng đồng, dân tộc điều kiện kinh tế phát triển mạnh mẽ cũng như trong bối cảnh mới của đất nước và hội nhập quốc tế./.

Hoàng Anh Tuấn

(TTXVN/Vietnam+)

Bình luận (0)