Liên tục trong mấy ngày vừa qua, TP.HCM đón nhiều cơn mưa lớn gây ngập cục bộ ở một số nơi. Nhằm chủ động phòng chống ngập nước khi mùa mưa đã đến cận kề, trong một cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường nạo vét kênh rạch, khơi thông hệ thống cống thoát nước, tuyên truyền vận động người dân không xả rác gây tắc nghẽn, đồng thời tiếp tục tăng cường các dự án chống ngập trên địa bàn TP.
Chủ tịch UBND TP đề nghị cơ quan chức năng chủ động chống ngập khi mùa mưa đang đến gần, nhằm tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân |
Mưa trái mùa cũng gây ngập sâu
Theo ông Nguyễn Ngọc Công (Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM), từ đầu năm đến nay TP đã có khoảng hơn 10 cơn mưa trái mùa. Trong đó có một số cơn mưa có lưu lượng lớn gây ngập nước. Tiêu biểu như cơn mưa kéo dài vào chiều 4-5 trên diện rộng gây ngập nặng ở nhiều tuyến đường, trong đó khu vực quận Bình Tân có nhiều nơi ngập sâu hơn 0,5m. Không kể những điểm ngập cũ, cơn mưa khuya 1-5 đến rạng sáng 2-5 còn gây ngập sâu ở hầm chui Bình Triệu (quận Bình Thạnh) dù công trình này mới được đưa vào sử dụng từ ngày 20-4. Được biết có đoạn nước ngập đến hơn 30cm khiến nhiều phương tiện bị chết máy, nhiều người phải di chuyển khó khăn qua đoạn nước sâu để đi làm. So với hầm chui Bình Triệu, hầm chui cầu Khánh Hội ở quận 1 (nối đường Võ Văn Kiệt với Tôn Đức Thắng) còn bị ngập sâu hơn 0,5m, thời gian ngập úng kéo dài đến trưa hôm sau khiến xe chết máy hàng loạt. Tương tự, ở các điểm chân cầu Linh Xuân (Thủ Đức), cầu Bình Triệu 2 cũng bị ngập nước làm cho các phương tiện di chuyển rất vất vả.
So với 2 cơn mưa gần đây thì cơn mưa giông vào khoảng 14 giờ 30 ngày 30-4 có độ bao phủ rộng khắp trên các địa bàn quận 1, quận 2, quận 3, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức… Cơn mưa có lưu lượng lớn và kéo dài đã nhấn chìm nhiều tuyến đường trong biển nước. Đối với những tuyến đường thông thường thì ngập nước là chuyện đã quen, nhưng với tuyến đường đại lộ rộng lớn, hệ thống cống thoát nước chỉn chu mà cũng ngập mới là điều đáng nói. Trong đó phải kể đến là đại lộ Phạm Văn Đồng xuyên qua các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức. Cơn mưa giông vào chiều ngày nghỉ lễ đã làm cho nhiều đoạn đường bị ngập hơn nửa bánh xe, khiến cho nhiều xe chết máy phải dắt bộ. Thấy nước lâu rút, nhiều hộ dân đã chủ động móc rác ở miệng cống để nước thoát nhanh hơn.
Cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng rác rến lấp miệng cống cũng như hệ thống cống thoát nước không được nạo vét thường xuyên, nên các tuyến đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), đường Nguyễn Ảnh Thủ (huyện Hóc Môn), đường Tô Ký (nối quận 12 với Hóc Môn) trong nhiều năm qua luôn ở trong tình trạng hễ mưa là ngập. Anh Phạm Phi Hùng, nhân viên IT hiện đang làm việc tại Công viên phần mềm Quang Trung cho biết, việc đưa đón 3 đứa con đi học mỗi mùa mưa đến là điều ám ảnh đối với vợ chồng anh. Nhất là vào những ngày anh trực ca là vợ anh “lãnh đủ”, vì 3 đứa con học trường khác nhau, nên nhiều lần mưa ngập hơn nửa xe máy, vợ anh phải vật vã lội nước gần 1km từ nhà ra trạm để đón xe buýt đến trường đón con. Đón xong đứa này rồi lại tất tả đi đón đứa khác.
Hơn 3.000km lòng cống đã được nạo vét
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu: “Các sở ngành liên quan phải chủ động chống ngập khi mùa mưa đang đến gần. Tránh tình trạng ngập liên miên trong thời gian tới gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trường hợp xảy ra mưa kéo dài, lượng nước nhiều cùng với triều cường không tránh khỏi ngập nước, cơ quan chức năng chủ động dự báo để có những giải pháp chủ động chống ngập hiệu quả”. |
Ông Nguyễn Kiệt (Trưởng phòng Dự báo thời tiết Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ) cho biết sau những cơn mưa trái mùa vừa qua, khoảng sau ngày 5-5 trở đi TP.HCM nói riêng và Nam bộ nói chung sẽ chính thức bước vào mùa mưa. Do đó, ông Nguyễn Ngọc Công lo ngại nhiều tuyến đường đang được đầu tư đã và sẽ bị ngập nước do những cơn mưa và triều cường mang tính cực đoan. Nhằm giảm bớt điểm ngập cố hữu trong thời gian dài cùng các điểm ngập mới, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP đang chỉ đạo các đơn vị tích cực duy tu, sửa chữa những hạng mục cần thiết và dự kiến sắp tới TP sẽ giảm được 7 điểm ngập từ những dự án mới.
Theo số liệu từ UBND TP, TP đã và đang thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước và ưu tiên làm trước ở các vị trí thường xuyên bị ngập. Bằng chứng là trong 4 tháng đầu năm đã nạo vét được 309.492km lòng cống thoát nước, duy tu nạo vét 10 tuyến (3.329km) kênh rạch và cửa xả, sửa chữa hầm ga, thay cống bị xuống cấp có khả năng sụp, mở rộng miệng thu nước, nạo vét hầm ga… Ngoài ra, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận thêm 1 tuyến cống (6.080km), nâng tổng số tuyến cống được tiếp nhận bàn giao lên 327 trong tổng số 340 tuyến, với tổng chiều dài 617.9km/645.9km tuyến cống trên địa bàn TP. Hiện tại, cơ quan chức năng đang thương thảo ký kết hợp đồng dịch vụ thuê vận hành máy bơm (công suất từ 27.000m3/h đến 96.000m3/h) của Công ty Quang Trung để giải quyết ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh trong năm nay.
Mặc dù kết quả thực hiện công tác chống ngập khá tốt, song theo nhận định của đại diện UBND TP, công tác xử lý các trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước vẫn còn tương đối chậm, làm tăng áp lực thoát nước lên hệ thống thoát nước vốn chưa đáp ứng nhu cầu thoát nước của TP, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Do đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị các cơ quan chức năng phải đánh giá được nguyên nhân và tác động của ngập nước để tìm ra giải pháp và thực hiện giải pháp một cách đồng bộ.
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Bình luận (0)