Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

TP.HCM: Nỗi lo một số tuyến xe buýt ngừng hoạt động

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tuyến xe buýt 26 là một trong 4 tuyến có trợ giá sẽ bị ngừng hoạt động trong năm nay do hoạt động không hiệu quả
Gần một tháng nay, bà Mai phải tốn khá nhiều tiền xe ôm để thuê người vận chuyển hàng hóa từ Chợ Lớn đến khu Bình Hưng Hòa. Có ngày, nếu ngồi tính toán kỹ thì bà bị lỗ nhiều vì một lần vận chuyển bằng xe ôm tốn gấp 7 lần chi phí so với vận chuyển bằng xe buýt.
Không chỉ một mình bà Mai mà nhiều tiểu thương khác cũng bị ảnh hưởng từ hôm tuyến xe buýt 143 (Bến xe Chợ Lớn – Bến xe Bình Hưng Hòa) ngừng hoạt động cho đến nay.
“Nạn nhân” bất đắc dĩ
“Tự nhiên bị trở thành nạn nhân bất đắc dĩ”, là lời than của bà Mai và nhiều tiểu thương ở Chợ Lớn khi đường “làm ăn” của họ đang thuận lợi trong những ngày đầu năm thì bỗng nhiên “gặp hạn”. Mấy hôm nay, vợ chồng anh Phan Thanh Bình mất ngủ vì lo lắng khi hay thông tin tuyến xe buýt 26 cũng sẽ có ngày ngừng hoạt động. Thu nhập từ việc làm thợ hồ hai năm nay của anh Bình rất bấp bênh, thu nhập từ nghề giúp việc nhà của vợ anh cũng không có gì là khấm khá. Thế nên bao lâu nay việc đi lại của vợ chồng họ chủ yếu “cậy nhờ” tuyến xe buýt 26 (Bến xe Miền Đông – Bến xe An Sương). Hai đứa con nhỏ họ cũng gửi đi học ở nhà ông bà nội ở ngay chân cầu ngã tư An Sương. Khi chúng tôi hỏi nếu không có xe buýt thì sau này sẽ qua lại bằng phương tiện nào thì vợ chồng anh Bình gãi đầu: “Chắc phải nhờ vào hai chiếc xe đạp cà tàng thôi”.
Trong thời gian này, nỗi lo trước việc ngừng hoạt động của một số tuyến xe buýt, trong đó có tuyến 50 cũng khiến nhiều sinh viên không yên. “Hơn tuần nay, ngày nào em cũng theo dõi báo chí để biết “số phận của mình sẽ ra sao” nhưng mọi việc cứ rối tung lên vì có nhiều ý kiến trái chiều. Chừng nào có thông báo chính thức từ cơ quan chủ quản thì tụi em chắc mới an tâm học hành, thi cử được”, bạn Nguyễn Ngọc Uyên, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn  TP.HCM tâm sự. 
Một sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng bức xúc: “Thành phố lâu nay có chủ trương khuyến khích người dân đi xe buýt, nhưng giờ đây lại cho dừng những tuyến xe rất quan trọng, đặc biệt là tuyến xe 50 là điều không phù hợp. Em đã đi tuyến xe buýt này 4 năm rồi, ngày nào cũng chịu cảnh chen lấn, vì không có phương tiện xe máy nên phải chấp nhận, nếu ngừng hoạt động tuyến xe này vì hoạt động không hiệu quả thì sinh viên chịu thiệt thòi”.
Nam sinh viên ngành xây dựng nói rằng từ ngày 24-2, tuyến xe buýt số 50 (ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia) bị điều chỉnh cắt giảm một nửa số chuyến khiến một số sinh viên bị trễ học, vì khi giảm số chuyến, thời gian giãn cách giữa các chuyến kéo dài và số sinh viên bị dôi lên gây chen lấn nhiều hơn.
Theo nam sinh viên này, tuyến xe buýt 50 là “tuyến xe nhân ái” của sinh viên thuộc 18 trường ĐH, trong đó có nhiều trường ĐH lớn trong thành phố như khối ĐH Quốc gia khu Thủ Đức, ĐH Sư phạm, ĐH Sài Gòn, ĐH Tự nhiên (Q.5), ĐH Bách khoa (Q.10), ĐH KHXH&NV (Q.1)… “Nhờ có tuyến xe này mà sinh viên chúng em tiết kiệm được chi phí học tập. Nhà nước vẫn nói giáo dục là quốc sách hàng đầu, thì việc duy trì tuyến xe là cách Nhà nước tiếp bước cho chúng em có điều kiện học tập, nhất là trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay”, nam sinh viên ngành xây dựng bày tỏ.
Sẽ tiếp tục ngừng hoạt động một số tuyến không hiệu quả
Theo lý giải của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (TTQL&ĐH VTHKCC), các tuyến xe buýt trợ giá phải ngừng hoạt động là do không mang lại hiệu quả. Tiếp theo sau tuyến 143 (Bến xe Chợ Lớn – Bình Hưng Hòa) đã ngừng hoạt động từ ngày 1-2, thì bắt đầu từ ngày 1-3, tuyến xe buýt có trợ giá 111 (tuyến Bến xe Q.8 – Bến xe An Sương) cũng ngừng khai thác. Thay vào đó, hành khách có thể sử dụng thay thế bằng tuyến xe 27 (Công viên 23-9 – Âu Cơ – Bến xe An Sương) và tuyến 62 (Bến xe Q.8 – Thới An). Dự kiến trong năm nay sẽ có thêm 2 tuyến không được khai thác nữa là tuyến xe buýt 26 (Bến xe Miền Đông – Bến xe An Sương) và tuyến xe buýt 50 (ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM).
Ông Lê Hải Phong – Giám đốc TTQL&ĐH VTHKCC cho hay, trong năm nay trung tâm sẽ tiếp tục rà soát các tuyến xe buýt có trợ giá và sẽ ngừng khai thác những tuyến hoạt động không hiệu quả. Đồng thời, trung tâm cũng sẽ điều chỉnh những tuyến chưa hợp lý, sắp xếp lại luồng tuyến để thuận tiện cho hành khách hơn.
Bài, ảnh: Bích Vân
TP.HCM hiện có hơn 3.000 đầu xe buýt, đáp ứng được 10,7% nhu cầu đi lại của người dân với hơn 200 tuyến hoạt động (trong đó, 110 tuyến có trợ giá). Mỗi năm thành phố chi hơn 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho loại vận tải công cộng này. Theo Đề án phát triển  xe buýt giai đoạn 2011-2015 của Sở GTVT đã được thông qua, thành phố sẽ mua mới 1.680 xe buýt với kinh phí gần 2.000 tỷ đồng.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)