Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

TP.HCM “online hóa” ngành giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

810.000 dữ liệu của học sinh và 54.000 thông tin của giáo viên đã được cập nhật lên hệ thống là những kết quả của giai đoạn 1 Chương trình online hóa ngành giáo dục TP.HCM do Sở GD&ĐT TP.HCM kết hợp với Viettel triển khai.
Online hóa ngành giáo dục đạt nhiều kết quả cao (Ảnh minh họa). Nguồn: Internet
93% trường phổ thông đã triển khai
Ngày 20/12, tại TP.HCM, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã tổ chức hội nghị tổng kết giai đoạn 1 chương trình ứng dụng hệ thống quản lý trường học SMAS 2.0. Qua gần 1 năm triển khai, việc online hóa ngành giáo dục tại TP.HCM đã đạt kết quả rất cao.
Cụ thể, ở khối THPT đã có 180/185 trường hoàn thành việc đưa dữ liệu lên hệ thống phần mềm (đạt 97,2%); khối THCS có 265/285 trường hoàn thành cập nhật dữ liệu hệ thống (đạt 93%) và khối tiểu học có 423/465 trường hoàn thành cập nhật dữ liệu (đạt 91%).
Như vậy, tính tổng tất cả các trường phổ thông tại TP.HCM, đã có 93% trường ứng dụng phần mềm vào thực tiễn quản lý, dạy và học.
Bên cạnh đó, thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng cho thấy, dữ liệu của hơn 810.000 em học sinh và thông tin của 54.000 giáo viên tại các trường đã được đưa vào hệ thống. Phía Viettel cũng cho biết, sau gần 1 năm triển khai, đã có hơn 2.500 giáo viên được đào tạo để sử dụng phần mềm này.
Để có được những kết quả như trên, theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, đó là nhờ quyết tâm của Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc ứng dụng phần mềm quản lý vào trường học, sự phối hợp và hỗ trợ nhiệt tình từ phía Ban giám hiệu các trường tham gia chương trình. Đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo Tập đoàn Viettel đối với việc xây dựng nhiều ứng dụng cho trường học, phù hợp với nhu cầu quản lý và xu thế mới trong giai đoạn hội nhập, góp phần đưa hệ thống tri thức thế giới đến với học sinh thông qua hệ thống Internet.
SMAS được đánh giá cao
Phần mềm SMAS (school management system) do Viettel xây dựng theo cấu trúc mở, dễ dàng phát triển mở rộng thêm các phân hệ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều trường và cơ quan quản lý giáo dục các cấp. Đây là phần mềm được Viettel hỗ trợ hoàn toàn miễn phí cho tất cả các trường học và cơ sở giáo dục.
Ưu điểm của phần mềm này là chạy trên Internet và tương thích với mọi loại trình duyệt, các trường không phải đầu tư nhiều về quản trị vận hành, hạ tầng, mà chỉ cần máy tính có kết nối Internet là triển khai được. Bên cạnh đó với việc sử dụng mô hình điện toán đám mây, SMAS cho phép quản lý tập trung dữ liệu, xử lý linh hoạt, vì vậy đáp ứng được nhu cầu của ngành giáo dục về liên thông, liên kết thông tin các trường ở các cấp.
Với SMAS, những công việc như quản lý hồ sơ, quản lý thi đua, điểm, môn thi… đều được số hóa và rất gọn nhẹ (trước đây được thực hiện trên giấy tờ đòi hỏi tốn rất nhiều nhân lực và công sức). Ngoài ra, do chạy trên hạ tầng server, đường truyền của Viettel, nên việc đảm bảo về an ninh và an toàn dữ liệu được thực hiện rất tốt và bảo vệ qua nhiều lớp.
Chính vì thế, khi triển khai phần mềm trong các trường học, nó đã được đánh giá cao. Ngoài ra, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng khẳng định, Sở TT&TT TP.HCM đã tiến hành đánh giá phần mềm này với các phần mềm khác. Cụ thể, với 139 tính năng, SMAS được đánh giá là phần mềm giáo dục có nhiều tính năng hiệu quả nhất, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với các phần mềm khác trên thị trường.
Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục hoàn chỉnh việc triển khai phần mềm này để mọi công tác đều được “số hóa”, đồng thời sẽ triển khai phần mềm cho cả khối Mầm non từ đầu năm 2012. Còn phía Viettel cũng khẳng định, bên cạnh việc tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Tập đoàn sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trên cả nước để ứng dụng rộng rãi phần mềm này. Việc làm đó nhằm hiện thực hóa cam kết của Viettel với Bộ Giáo dục và Đào tạo về thúc đẩy phát triển ICT trong giáo dục, sau khi đã hoàn thành kết nối Internet tới các trường học vào cuối năm 2010.
Theo Lê Mỹ
(ICTnews)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)